Đường đi của cổ phiếu lạ
Từ mức giá 22.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 9/2016, mã BII của CTCP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư hiện giao dịch trong ngưỡng 2.800 đồng/cổ phiếu. BII lập kỷ lục với 18 phiên giảm sàn liên tiếp, bốc hơi hơn 1.200 tỷ đồng vốn hóa.
Một cổ phiếu khác là HKB của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc. Ngay sau khi HNX công bố HKB được giao dịch ký quỹ vào 6/10/2016, chuỗi ngày giảm giá của cổ phiếu này bắt đầu, từ 11.800 đồng/cổ phiếu xuống 3.300 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch rất thất thường.
Cổ phiếu KVC của CTCP Sản xuất, xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ cũng gây chú ý với 13 phiên giao dịch lao dốc không phanh, từ mức trên 12.000 đồng/cổ phiếu xuống trên 2.000 đồng/cổ phiếu, lệnh bán chất đống nhưng khối lượng mua chỉ nhỏ giọt.
Ấn tượng không kém là cổ phiếu NHP của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP với chuỗi giảm sàn liên tiếp đã lên đến con số 7.
Đặc điểm chung ở những cổ phiếu trên là DN thực hiện tăng vốn chóng mặt và diễn biến phát hành khiến không ít nhà đầu tư đặt dấu hỏi. Đơn cử, từ 25 tỷ đồng năm 2013, đến nay, NHP đã tăng vốn lên 270 tỷ đồng. Trong tháng 8 - 9 vừa qua, Công ty tiếp tục tăng vốn bằng phát hành ra công chúng và trả cổ tức bằng cổ phiếu với số lượng gấp đôi cổ phần trước đó.
Hay BII mới đây đã chào bán 21,65 triệu cổ phần ra công chúng với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần, trong khi thị giá hiện tại của BII chỉ dao động xung quanh mức 7.000 đồng/cổ phần. Không một cổ đông hiện hữu nào của Công ty đặt mua và số lượng cổ phần trên được phân phối cho 12 nhà đầu tư.
Giao dịch của cổ đông lớn
Trước khi sụt giảm bất ngờ, các cổ phiếu trên có chung kịch bản tăng giá mạnh, sau đó là động thái giao dịch của lãnh đạo DN và cá nhân có liên quan.
Chẳng hạn tại HKB, vợ chồng ông Trần Minh Tuấn, Ủy viên HĐQT Công ty, đã bán được gần 8 triệu cổ phiếu, thoái toàn bộ vốn khỏi Hakinvest từ 30/9 tới 19/10/2016. Trong giai đoạn này, cổ phiếu HKB đạt mức giá cao nhất là 12.000 đồng/cổ phiếu (phiên 10/10) và thấp nhất là 7.200 đồng/cổ phiếu (phiên 19/10), song vẫn cao hơn nhiều so với mức giá sau đó cho đến nay. Đặc biệt, ông Tuấn là thành viên HĐQT độc lập theo công bố của Công ty và mới được bầu vào HĐQT, nhưng vợ chồng ông lại sở hữu lượng cổ phiếu HKB rất lớn, khiến dư luận không hiểu tính “độc lập” của ông Tuấn là như thế nào.
Bên cạnh đó, ông Dương Ngọc Đức, Ủy viên HĐQT HKB cũng đã bán toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu HKB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,5%. Giao dịch thực hiện ngày 16/9/2016, ngày cổ phiếu HKB có lượng cổ phiếu khớp lệnh tăng mạnh lên gần 3 triệu cổ phiếu.
Tại BII, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Vĩnh Thụy do ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT BII làm Chủ tịch đã đăng ký bán ra toàn bộ 5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,67%) đang sở hữu. Giao dịch thực hiện từ ngày 26/1 đến 24/2/2016, khi BII có thị giá xấp xỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, vào tháng 12/2015, ông Nguyễn Văn Dũng đã bán ra toàn bộ 2,5 triệu cổ phiếu BII.
Chưa kể, CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận mà ông Dũng là người đại diện phần vốn góp tại BII, cũng đã kịp bán 5.047.350 cổ phần (tỷ lệ 8,75%) vào tháng 10/2015. Thời điểm đó giá cổ phiếu BII dao động trên 10.000 đồng/cổ phần.
Nghi vấn “úp sọt” CTCK
Trong giải trình về tình trạng giá cổ phiếu “lao dốc không phanh”, ban lãnh đạo BII cho biết, họ nắm được thông tin, nhà đầu tư trên thị trường đã sử dụng tỷ lệ margin cao để đầu tư vào BII. Khi thị trường có những thông tin không tích cực về nhóm ngành khoáng sản, các CTCK đã từng cho nhà đầu tư sử dụng margin để đầu tư cổ phiếu BII ngừng cung cấp margin hoặc đưa margin về tỷ lệ thấp đột ngột. Nhiều nhà đầu tư chưa thể hạ thấp margin trong ngắn hạn, vì thế các CTCK đã đặt lệnh bán BII, do đó làm cổ phiếu liên tiếp giảm sàn trong giai đoạn vừa qua. Rất hiếm khi thị trường chứng kiến một doanh nghiệp niêm yết nắm rõ thông tin về giao dịch cổ phiếu đến vậy.
Giám đốc môi giới một CTCK nói rằng, các CTCK thời gian qua đều biết khá rõ, không có nhiều nhà đầu tư cá nhân bị úp sọt ở những cổ phiếu có diễn biến lộ rõ kịch bản mua tay trái, bán tay phải. Đối tượng bị hại lớn nhất lại chính là CTCK. Họ phải gánh chịu nỗi đau khi “chơi với lửa”.
DN tăng vốn mạnh (không chắc chắn việc có tiền thực hay không), khi cổ phiếu được phát hành thêm và niêm yết bổ sung, giá được đẩy lên cao, nhóm nhà đầu tư sở hữu cổ phần lớn đem ký quỹ tại các CTCK.
Đến một thời điểm nhất định, nhóm nhà đầu tư kia dừng mua bán, giá cổ phiếu lao dốc. Theo đó, CTCK đua nhau bán giải chấp, giá sụt giảm đến mức CTCK lỗ lớn song không có sức cầu, muốn cắt lỗ cũng không thể. Khi giá trị tài sản ký quỹ nhỏ hơn dư nợ của khách hàng, các CTCK buộc phải trích lập dự phòng và khoản này bị tính vào chi phí trong kỳ của CTCK.