Thứ 7, 20/04/2024, 01:27 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Ngân hàng thương mại “đau đầu” với nợ xấu

Ngân hàng thương mại “đau đầu” với nợ xấu
(Tieudung.vn) - Việc triển khai thu hồi nợ xấu gặp nhiều vướng mắc vì khách hàng thiếu hợp tác; công tác phát mãi tài sản phức tạp, tốn nhiều thời gian... Nhiều ngân hàng thương mại tại TP Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp tháo gỡ...

Ngân hàng thương mại “đau đầu” với nợ xấu

Ảnh minh họa.

Khó khăn chồng chất

Theo nhiều ngân hàng thương mại tại TP Hồ Chí Minh, họ đang gặp không ít khó khăn trong việc rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Thậm chí, có những vụ việc kéo dài 10 năm chưa giải quyết được.

Đơn cử, năm 2011, khách hàng có khoản vay tại Ngân hàng TP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nhưng sau đó không trả được nợ. Năm 2017, ngân hàng khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) và đã có bản án, chuyển qua cơ quan thi hành án để bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý nợ. Nhưng, bản án chưa kịp thi hành thì năm 2018, vợ của khách hàng này nộp đơn lên cơ quan thi hành án yêu cầu công nhận tài sản chuẩn bị giao cho ngân hàng xử lý nợ là tài sản chung. Do đó, quyết định thi hành án tạm phải dừng lại. Sau 10 năm, khoản vay gồm gốc và lãi đến nay đã là 27 tỷ đồng, nhưng ngân hàng chưa thể thu hồi tài sản thế chấp để xử lý nợ vì phát sinh liên quan đến bên thứ ba.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Hiện ngân hàng có 8 hồ sơ xử lý nợ tại tòa án đã khởi kiện từ năm 2018 nhưng chưa giải quyết xong, với tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng; 13 hồ sơ xử lý nợ đã khởi kiện trong giai đoạn từ năm 2010-2016 vẫn chưa được xét xử, với tổng dư nợ là hơn 350 tỷ đồng.

Hai năm qua, Sacombank có tới 4 lần đưa ra đấu giá nguyên trạng Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Nhà Bè) để xử lý các tồn đọng do ông Trầm Bê, cựu Phó Chủ tịch Sacombank để lại. Từ mức giá trên 9.000 tỷ đồng trong đợt đầu đã giảm dần về mức 6.600 tỷ đồng, tức giảm gần 2.500 tỷ đồng, song nhà băng này chưa xử lý được tài sản đảm bảo trên để thu hồi nợ xấu, tất toán trái phiếu VAMC.

Đại diện Sacombank cho biết, hiện chủ đầu tư vẫn hợp tác xử lý tài sản đảm bảo nói trên, nhưng tài sản này còn vướng các thủ tục pháp lý. Ngân hàng đang đợi ý kiến của UBND thành phố Hồ Chí Minh để có thể phát mãi tài sản trở lại.

Liên quan tới công tác thu hồi nợ xấu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) Nguyễn Thị Hương cho biết, theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm nếu trong hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản khác giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có nội dung đồng thuận về việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, nhiều hợp đồng bảo đảm vốn vay được lập trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, trong nội dung về xử lý tài sản bảo đảm khi người vay mất khả năng chi trả khoản vay lại không ghi rõ nội dung việc thu giữ. Điều này khiến các tổ chức tín dụng không đủ căn cứ để tiếp quản tài sản bảo đảm.

Chánh án Tòa án nhân dân quận 1 Quách Hữu Thái cho hay: Nguyên nhân của sự chậm trễ, bế tắc ở nhiều vụ việc là do quá trình thẩm định tài sản bảo đảm ở một số ngân hàng không chặt chẽ, dẫn tới tranh chấp, khó xử lý khi phát sinh thêm những người và tài sản khác có liên quan. Mặt khác, pháp luật về thi hành án vẫn còn một số kẽ hở giúp cho người phải thi hành án lợi dụng trốn tránh, kéo dài thời gian thi hành, như tình trạng tài sản khi kê biên có tranh chấp thì phải hoãn thi hành án chờ kết quả giải quyết của tòa.

Cần cơ chế pháp lý đủ mạnh

Theo bà Nguyễn Thị Hương, công tác xử lý, thu hồi nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các ngân hàng thương mại, cần phải có cơ chế pháp lý rất rõ ràng. Khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực, ABBANK mong muốn nghị quyết mới sẽ sớm được ban hành trên cơ sở phát huy tích cực những kết quả và từ việc áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Giám đốc xử lý nợ (Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB) Nguyễn Văn Hải kiến nghị, cơ quan lập pháp xây dựng chế tài xử lý đủ mạnh đối với đương sự cố ý không chấp hành, tạo tranh chấp để kéo dài thời gian thi hành án. Theo đó, cần yêu cầu đương sự khi khởi kiện tranh chấp liên quan đến tài sản đang được thi hành án (bên thứ ba) phải ký quỹ một khoản tiền để bồi thường cho người được thi hành án (là ngân hàng), nếu đơn kiện đó bị bác.

Theo Nguyễn Văn Trình, Trưởng phòng Pháp lý Sacombank, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sau khi Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu được ban hành, các ngân hàng đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong quá trình xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông các dòng vốn tồn đọng, đưa trở lại nền kinh tế. Trong đó, Sacombank đã và đang thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu Ngân hàng, với nhiệm vụ trọng tâm là xử lý triệt để các khoản nợ, tài sản tồn đọng từ đơn vị sáp nhập.

Theo Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Phan Tấn Trung, cần phát triển mua bán nợ; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản bảo đảm…

Cũng theo ông Phan Tấn Trung, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2020 toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 331.870 tỷ đồng nợ xấu. Riêng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, tổng nợ xấu đã xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 chiếm khoảng 60% tổng số nợ xấu trong phạm vi cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo tại tòa án và thi hành án đối với các ngân hàng thương mại nhiều năm qua là vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản luật, cả Bộ Luật Dân sự và các luật chuyên ngành. Trước mắt, Hiệp hội sẽ ghi nhận toàn bộ những kiến nghị này để tham mưu các vụ, cục của NHNN. Từ đó, nghiên cứu ban hành những văn bản hướng dẫn phù hợp dựa trên kinh nghiệm phối hợp xử lý thực tế ở các vụ việc tiêu biểu giữa cơ quan tòa án và ngân hàng thương mại.

Tags:
4.7 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Tài chính - Ngân hàng

Từ ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ để hạ nhiệt tỷ giá
(Tieudung.vn) Từ ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ để can thiệp thị trường theo hình thức...
 
Giá vàng hôm nay ngày 18/4/2024: trong nước tăng, thế giới tiếp đà giảm
(Tieudung.vn) Giá vàng hôm nay 18/4: Sáng nay, vàng miếng trong nước ghi nhận mức giá tăng nhẹ. Trong...
 
Giá ngoại tệ hôm nay 19/4/2024: USD thế giới tăng mạnh trở lại, vượt 106
(Tieudung.vn) Rạng sáng 19/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với...

Giá - Sản phẩm

Giá vàng hôm nay ngày 19/4/2024: thế giới tiếp tục tăng, trong nước giảm nhẹ
(Tieudung.vn) Giá vàng hôm nay 19/4, vàng miếng được các đơn vị niêm yết quanh ngưỡng 82 84...
 
Giá xăng tăng 400 đồng/lít trước ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương
(Tieudung.vn) Từ 15 giờ ngày 17/4, xăng RON 95 tăng 416 đồng/lít, lên mức 25.237 đồng/lít, giá xăng RON...
 
Giá heo hơi hôm nay 19/4/2024: miền Bắc tăng nhẹ 1.000 đồng/kg
(Tieudung.vn) Ghi nhận giá heo hơi hôm nay 19/4 tăng nhẹ ở miền Bắc, dao động trong khoảng 59.000...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.51939 sec| 852.781 kb