Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Chu Văn Chuông - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết: “Qua hội thảo này chúng ta sẽ trao đổi về nhiệm và giải pháp cụ thể của từng đối tác tham gia trong chuỗi giá trị trong việc thực hành và quản lý MRL cho Việt nam nhằm hướng tới nâng cao năng lực xuất khẩu một cách bền vững”.
Ông Chu Văn Chuông- Phó Vụ trưởng Vụ HTQT Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội thảo . |
MRL (mg/kg) là hàm lượng tối đa của một tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm do Codex (CXL) hoặc cơ quan quản lý tại quốc gia quy định. Đây không phải là tiêu chuẩn về ngưỡng độc tính mà là tiêu chuẩn thương mại thực phẩm quốc tế được thiết lập trên cơ sở GAP. Mục đích của việc thiết lập MRL là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh hàng nông sản và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Mặc dù Việt Nam đã có văn bản quy định và xây dựng các tiêu chuẩn về MRL tuy nhiên việc thực thi, quản lý còn gặp nhiều khó khăn do quá trình này đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm thực hiện của tất cả các đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị phát triển sản phẩm, công ty chế biến, sản xuất, đóng gói, nông dân và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn MRL hiện không đồng nhất giữa các quốc gia, dữ liệu thường xuyên cập nhật và việc truy suất dữ liệu không thuận lợi cũng tạo thêm các khó khăn trong quá trình thực thi. Một trong các cách tiếp cận đang thảo luận hiện nay trên thế giới và ngay tại hội thảo là hài hòa hóa tiêu chuẩn MRL giữa các nước và trong khu vực. Cách tiếp cận này cho phép các nước có gói dữ liệu chung, công nhận kết quả thử nghiệm lẫn nhau và cùng áp dụng chung các mức dư lượng. Thực hiện được điều này một mặt tạo thuận lợi cho quá trình thương mại quốc tế, giúp khuyến khích các công ty phát triển đăng ký sản phẩm mới từ đó nông dân có cơ hội tiếp cận thêm các sản phẩm và công cụ kiểm soát dịch hại cây trồng tiên tiến; mặt khác giảm đáng kể kinh phí và thời gian tiến hành các nghiên cứu - thử nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các quốc gia trong quá trình quản lý. Một số khu vực đã triển khai thành công mô hình này là khối các nước OECD, Đông Phi...
Ông Kohei Sakata - Chủ tịch CropLife Vietnam phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Kohei Sakata - Chủ tịch CropLife Vietnam cho biết: “Đứng trước các thách thức về vấn đề an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng hay rào cản kỹ thuật trong thương mại, chúng tôi rất vui mừng khi hôm nay có cơ hội gặp gỡ và cùng thảo luận với đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội xuất khẩu nông sản trong nước, các tổ chức quốc tế và đại diện các nước xuất khẩu chính. Qua đó, chúng tôi có thể lắng nghe và tiếp thu các giải pháp phù hợp mà CropLife và các công ty phát triển sản phẩm có thể tiếp tục tham gia đóng góp trong thời gian tới.”
Ông Jason Sandahl- Phòng Nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ chia sẻ tại hội thảo. |
Ông Jason Sandahl- Phòng Nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chia sẻ, thuốc bảo vệ thực vật cần phải được đánh giá dựa trên rủi ro chứ không phải mối nguy. Chính vì vậy người nông dân phải được hướng dẫn cụ thể cũng như việc phối hợp giữa các bộ ngành liên quan để tạo ra một dữ liệu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm quản lý tốt nó.
Được biết, CropLife là một hiệp hội nông nghiệp toàn cầu đại diện tiếng nói cho ngành khoa học thực vật và hỗ trợ việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Các hoạt động trọng tâm của CropLife là tiếp cận và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vì lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng và môi trường. CropLife luôn hướng tới các hoạt động nâng cao nhận thức công chúng, cung cấp và trao đổi thông tin minh bạch, khoa học cũng như duy trì đối thoại cởi mở với những cơ quan, tổ chức quan tâm tới tương lai của ngành nông nghiệp và vấn đề an ninh lương thực. Tại Việt Nam, hoạt động của CropLife tập trung vào việc tăng cường việc thực hành, sử dụng có hiệu quả, an toàn các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp.