“Măng le đỏ thường sẽ nở rộ vào mùa mưa tháng 8-10 hàng năm, đây là đặc sản chỉ có ở Vũng Tàu. Cụ thể, măng le đỏ chủ yếu mọc ở núi Dinh (huyện Tân Thành), núi Minh Đạm (huyện Long Điền) hay núi lớn (thành phố Vũng Tàu)”, Chị Diễm, tiểu thương tại chợ Cây Gõ (quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Măng le đỏ đang được bán tại TP Hồ Chí Minh với giá khá cao 200.000 đồng/kg.
Theo chị Diễm, trong các loại măng thì măng le đỏ là loại được khách hàng lựa chọn nhiều nhất. Ngoài bán trực tiếp tại chợ, hiện chị Diễm còn mở rộng bán măng le đỏ trên nhiều trang bán online.
“Dù ra sức gom hàng từ Vũng Tàu về TP Hồ Chí Minh bán nhưng lúc nào cũng thiếu hàng cho khách. Thậm chí, có những khách hỏi mua măng le đỏ mà không quan đến giá cả, cứ giao hàng là nhận tiền”, chị Diễm nói.
Khi được hỏi về giá bán măng le đỏ, chị Diễm cũng thẳng thắn cho biết, do chất lượng tốt và nguồn hàng khan hiếm nên măng le đỏ đang được bán với mức giá khá cao 200.000 đồng/kg.
Luôn trong tình trạng cháy hàng, chị Trang, tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) hớn hở khoe, trung bình mỗi ngày chị bán ra từ 80-100kg măng le đỏ.
“Con số bán ra phụ thuộc vào con số nhập vào, có nghĩa là nhập bao nhiêu sẽ bán hết bấy nhiêu. Thậm chí, không có hàng để bán, thương lái chúng tôi thường phải tranh nhau tìm nguồn nhập hàng”, chị Trang nói.
Hông hoặc luộc măng le đỏ là một trong những cách để bảo quản măng lâu dài, trong đó hông sẽ bảo quản lâu hơn và giữ hương vị tốt hơn.
Cũng theo chị Trang vì nguồn hàng ít trong khi nhu cầu nhiều, là nguyên nhân chính nhất khiến giá măng le đỏ khi đến tay người tiêu dùng cao hơn rất nhiều lần so với các loại măng khác.
“Nếu như các loại măng le, nứa tươi thông thường có giá dao động 15.000 - 45.000 đồng/kg, thì giá măng lẻ đỏ dù không cố định nhưng vẫn phải nằm trong khoảng 150.000-200.000 đồng/kg”, chị Trang nói thêm.
Đặc biệt yêu thích măng le đỏ, chị Thảo (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đánh giá, điểm khác biệt của măng le đỏ với các loại măng vàng khác là chúng có màu đỏ, mềm, ngọt, không bị đắng, chỉ cần luộc sơ là có thể ăn ngay.
“Dù giá cao hơn rất nhiều, nhưng cứ đến mùa là tôi lại mua măng le đỏ cho cả nhà cùng thưởng thức. Đảm bảo ai chưa ăn sẽ muốn ăn thử, ai ăn rồi sẽ ghiền”, chị Thảo chia sẻ.
Theo tìm hiểu, măng le đỏ phát triển từ cây le thuộc họ tre, nứa không có gai, thân dẻo. Một bụi le có nhiều cây mọc thành cụm, ken đặc. Măng le ngon nhất là loại mới chỉ mọc nhú dưới đám lá khô hay trong các hốc đá. Do các bụi le có tán thấp và rậm rạp nên người đào măng phải luồn vào bụi le, dùng dao đào lớp đất chung quanh cho đến lúc có thể lấy tay bẻ măng.