Thời trang ngoại đổ bộ thị trường Việt Nam
Theo thống kê, hiện 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ trung bình đến cao cấp như Chanel, Giovanni, Mango, Zara, H&M, Uniqlo, Warehouse, Topshop, CK, Nike, Levi’s... đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Các thương hiệu tên tuổi này đang ngày càng phổ biến trong thói quen mua sắm của người dùng Việt.
Người tiêu dùng mua đồ thời trang Uniqlo tại TTTM Vincom Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Hoài Nam
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, sự xuất hiện của nhiều nhãn thời trang nước ngoài tại thị trường nội địa cho thấy, doanh nghiệp thời trang thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn. “Gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9/2016 đến nay, doanh thu của Zara Việt Nam đã không ngừng tăng cao, trung bình đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng/ngày”- bà Hậu nêu ví dụ.
Thực tế cho thấy, để khai thác thị trường thời trang Việt Nam các nhãn hàng nước ngoài đã liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ. Trong những tháng cuối cùng của năm 2022, Uniqlo đã liên tiếp tiếp khai trương 3 cửa hàng mới tại Hà Nội, như vậy, chỉ sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu đến từ Nhật Bản này đã có 15 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Tương tự, trong những tháng cuối năm 2022, thương hiệu quần áo MLB (Hàn Quốc) dành cho giới trẻ đã liên tiếp mở 3 cửa hàng lớn gồm SC Vivo City, Aeon Mall Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) và Vincom Plaza Ngô Quyền (Đà Nẵng). Tính đến thời điểm hiện tại, thương hiệu này đã có 18 cửa hàng trên khắp toàn quốc, trong đó có đến 7 cửa hàng mới được khai trương trong năm 2022 gồm Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội), Vincom Biên Hòa (Đồng Nai), Crescent Mall và Street shop Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh).
Không tiết lộ chi tiết về kết quả kinh doanh tại Việt Nam nhưng Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á Fredrik Famm thông tin, dự kiến Việt Nam trở thành thị trường thứ 68 của H&M toàn cầu.
Kết quả khảo sát trực tuyến gần đây của hãng Nielsen cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về yêu chuộng hàng hiệu, 56% người Việt sẵn sàng chi tiền mua hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%). Điều này cho thấy, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, người Việt ngày càng quan tâm đến trang phục nên sức tiêu thụ mặt hàng thời trang cũng tăng lên. Doanh nghiệp thời trang nước ngoài đang tăng tốc đầu tư khai thác thị trường Việt Nam trong thời gian qua
Người tiêu dùng mua thời trang Việt tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm Canifa. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Việt tìm đường "phản công"
Việc xuất hiện nhiều thương hiệu thời trang quốc tế đã tạo áp lực với các nhà sản xuất trong nước và buộc họ phải đa dạng hóa sản phẩm ở mọi phân khúc từ cao cấp đến bình dân, đặc biệt giá bán phải rẻ hơn hàng ngoại nhưng chất lượng không thua kém.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 đang không ngừng cải tiến mẫu mã để kích cầu tiêu dùng từ đó gia tăng thị phần. Chẳng hạn, nhãn hiệu thời trang Canifa bên cạnh việc mở rộng nhãn hàng thời trang cho thiếu nhi đã bắt đầu khai thác thị trường phía Nam với hệ thống cửa hàng có mặt tại các siêu thị Vincom.
Còn theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt, doanh nghiệp thời trang Việt Nam đang có những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng. Vừa qua, May 10 đã đưa vào khai thác hai nhãn hàng thời trang mới là DeTheia- dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới và Generos cho nam giời. “Việc đưa vào khai thác 2 nhãn hàng thời trang mới nằm trong chiến lược mở rộng thêm các phân khúc khách hàng trong thị trường nội địa với gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó nâng tỷ trọng tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa”- ông Việt chia sẻ.
Mặc dù các doanh nghiệp may mặc đang đẩy mạnh đầu tư cải tiến mẫu mã, kết nối cung cầu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, tuy nhiên, Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính) TS Đinh Trọng Thịnh cũng cảnh báo: Doanh nghiệp thời trang cần có những bước phát triển phù hợp năng lực sản xuất, bán lẻ, không nên “ăn theo” cách thức kinh doanh phát triển ồ ạt của doanh nghiệp ngoại có thế mạnh về nguồn vốn, nhân lực. Bên cạnh đó, thay vì sản xuất theo phong trào cần lựa chọn hướng đi phù hợp thực lực, tiết giảm chi phí sản xuất.
“May 10 cho ra dòng sản phẩm thời trang nữ nhiều mẫu mã, phục vụ may đo, đây là loại hình dịch vụ chỉ doanh nghiệp Việt mới có thể thực hiện, trong khi các hãng nước ngoài không thể may đo cho từng người được. Ðiều đó cho thấy, doanh nghiệp trong nước cần chọn hướng đi theo ngách nhỏ, khó và khác biệt để cạnh tranh hàng ngoại nhập”- ông Thịnh phân tích.