Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định
Khảo sát tại một số chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng thực phẩm… trên địa bàn Hà Nội trong những ngày áp Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho thấy, lượng rau xanh, củ quả từ các nơi đổ về đang khá dồi dào, chất lượng đảm bảo và giá cả có chiều hướng giảm.
Cụ thể, rau bắp cải bán lẻ có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg; cà chua 20.000 đồng/kg; cải ngọt, cải chíp có giá 15.000 đồng/kg; cải cúc, rau cần 5.000 đồng/mớ; hành lá 15.000 đồng/kg; mồng tơi 5.000 đồng/mớ; rau mùi, gia vị, xà lách có giá 30.000 đồng/kg…
Sản xuất rau an toàn tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai
Giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Tiến Sỹ cho biết: Khoảng 3 tuần nay, nguồn cung các loại rau, củ, quả đổ về chợ tăng khoảng 30%, tương đương mức giá các loại rau, củ, quả cũng giảm từ 20 - 30% tùy loại.
Theo lý giải của anh Phạm Đức Huy - tiểu thương buôn rau tại chợ đầu mối Minh Khai, nguồn cung tăng là do người dân ồ ạt tái sản xuất sau đợt rau tăng giá đột biến hồi tháng 7, tháng 8/2021. Đến thời điểm này, các diện tích trồng rau này đã bắt đầu cho thu hoạch rộ, trong khi đó diện tích rau phục vụ dịp Tết cũng vào vụ. Theo kinh nghiệm bán hàng nhiều năm của anh Huy, với mức giá và lượng hàng còn ở trong dân thời điểm này, tới Tết Nguyên đán sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá mặt hàng rau xanh.
Là một trong những vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội, huyện Mê Linh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung ứng rau quả cho thị trường tiêu dùng Thủ đô. Những ngày này, người dân ở đây tất bật chăm sóc và thu hoạch rau xanh để phục vụ thị trường. Hiện nay, huyện giữ ổn định diện tích trồng rau an toàn khoảng 1.000ha, tập trung tại các vùng chuyên canh quy mô lớn như: Tráng Việt 240ha, Tiền Phong 93ha, Tiến Thắng 80a… Mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 400 - 600 tấn rau, củ các loại.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, hiện Hợp tác xã đang liên kết với khoảng 400 hộ dân, sản xuất trên 200ha rau an toàn, gồm các lại rau ăn lá, củ cải, cà chua… Từ nhiều tháng trước, Hợp tác xã đã mở rộng sản xuất để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Dịp cuối năm 2021 thời tiết rất thuận lợi và chủ động về nguồn nước, khoa học kỹ thuật nên các diện tích trồng rau xanh của Hợp tác xã đều được mùa, chất lượng tốt. Trung bình mỗi ngày vựa rau này cung ứng hơn 10 tấn rau ăn lá các loại cho thị trường Hà Nội, góp phần bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Anh Nguyễn Văn Hợi ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) hiện đang canh tác hơn 1 mẫu rau bắp cải, súp lơ và su hào phục vụ dịp Tết Nguyên đán cho hay: Giá rau bắp cải xuất tại ruộng hiện chỉ được 3.000 - 4.000 đồng/kg; su hào 2.000 - 3.000 đồng/củ; súp lơ 9.000 - 10.000 đồng/cây… So với giá rau tháng trước đã giảm 30% và so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 20%. Theo anh Hợi, với mức giá này, nông dân vẫn đang có lãi. Mặc dù giá rau xanh dịp Tết không tăng đột biến, nhưng sẽ không xảy ra tình trạng ế ẩm, đổ bỏ đi do gia đình anh đã chủ động được kế hoạch sản xuất và đầu ra sản phẩm.
Chú trọng chất lượng, an toàn thực phẩm
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, tháng 12/2021, diện tích gieo trồng rau màu trên địa bàn TP đạt trên 4.000ha, đang cho thu hoạch phân bố tại các quận, huyện, thị xã. Hiện, toàn TP có khoảng hơn 13.000ha rau màu phục vụ Tết, sản lượng ước đạt trên 250.000 tấn. Các loại rau gieo trồng phổ biến trong dịp Tết là bắp cải, súp lơ, su hào, cà chua, cà rốt, rau gia vị…
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên các loại rau trồng phục vụ dịp Tết sinh trưởng khá thuận lợi. Mặt khác, nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong canh tác nên năng suất tăng khoảng 3 - 4 tạ/ha so với năm trước, bảo đảm cung cấp cho thị trường, không xảy ra tình trạng khan hiếm rau và gây sốt giá vào dịp Tết. Ngành nông nghiệp cũng đã chú trọng công tác điều tiết sản xuất, phát triển các mô hình liên kết với DN nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông dân.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngành nông nghiệp đã tăng cường quản lý, thanh kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm trên thị trường thông qua việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó phát hiện, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm; đồng thời nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về nông sản an toàn.
Ở góc độ địa phương, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, huyện đã tăng cường xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy xuất quá trình sản xuất nông sản, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và quảng bá giới thiệu nông sản trên các sàn giao dịch điện tử.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, từ nay tới Tết Nhâm Dần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để đảm bảo nguồn cung sản phẩm an toàn cho thị trường Hà Nội, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản, xử lý những trường hợp trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc bán ra thị trường theo quy định; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QRcode cho các nhà sản xuất.
Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu với TP tiếp tục quan tâm, mở rộng, phát triển tiến tới hoàn thiện, nâng cấp hệ thống bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia; triển khai thí điểm hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm có ứng dụng công nghệ quản lý lưu thông sản phẩm. Từ đó tạo giá trị kinh tế cao hơn cho chuỗi giá trị nông sản được kiểm soát.