Giá vàng thế giới ngày 14/4, tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 2.039 USD/ounce - tăng 22 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng ngày 14/4/2023: Tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Reuters
Giá vàng hôm nay tiếp tục tăng mạnh khi báo cáo chỉ số giá sản xuất trong tháng 3 được công bố cho thấy áp lực lạm phát đã giảm mạnh hơn dự báo. Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, PPI đã giảm 0,5% trong tháng 3. Mức giảm này mạnh hơn mức dự báo của các nhà kinh tế là 0,1%. Báo cáo cho biết lạm phát hằng năm tăng 2,7%, giảm từ mức 4,6% được báo cáo vào tháng 2. Các nhà kinh tế dự báo mức tăng 3 %.
Giám đốc Chiến lược đầu tư ETF Robert Minter của Abrdn mới đây cho biết có nhiều lý do để lạc quan về vàng. Ông dự báo, trong một thế giới đầy bất ổn và khi vị thế tiền tệ dự trữ của đồng USD bị giảm sút, kim loại quý này có nhiều khả năng tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Minter lưu ý rằng với đà tăng hiện tại của vàng, việc giá vàng đạt mức cao kỷ lục một lần nữa chỉ là vấn đề thời gian. Yếu tố tạo ra xu hướng tăng giá cho kim loại quý là kỳ vọng của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chấm dứt lập trường chính sách tiền tệ mạnh mẽ trước nửa cuối năm nay.
Hiện tại, các thị trường dự báo Fed sẽ thực hiện một đợt tăng 25 điểm cơ bản cuối cùng vào tháng 5 và có thể sẽ cắt giảm lãi suất vào mùa hè. Minter lưu ý rằng những giai đoạn chuyển tiếp này trong lịch sử đã là môi trường thuận lợi cho vàng. Cụ thể, khi Fed tạm dừng vào năm 2000, vàng đã tăng 55%; khi họ tạm dừng vào năm 2006, vàng đã tăng 230%; khi Fed tạm dừng vào năm 2008, vàng đã tăng 70%. Ông cho rằng, Fed sẽ tạm dừng vì họ không muốn trở thành nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Minter nói thêm rằng, khi Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt, lạm phát có thể sẽ khó được kiểm soát. Điều đó có nghĩa là lãi suất thực sẽ vẫn ở mức thấp, tạo ra một môi trường hấp dẫn cho vàng.
Ông lưu ý rằng thị trường sẽ cực kỳ biến động trong quá trình chuyển đổi chính sách tiền tệ này, nhưng vàng có thể đóng vai trò như một mỏ neo, mang lại sự ổn định nhất định cho các nhà đầu tư. Ông nói rằng ông kỳ vọng vàng sẽ tiếp tục vượt trội so với S&P 500 khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ đến khi suy thoái xảy ra và sau đó buộc phải cắt giảm lãi suất. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng 6%, giao dịch trên 4.000 điểm; trong khi đó, giá vàng tăng gần 9%, hiện giao dịch trên mức 2.030 USD/ounce.
Không chỉ được hỗ trợ trong môi trường bất ổn và lạm phát, Minter chỉ ra rằng nhu cầu của ngân hàng trung ương đối với vàng cũng thúc đẩy kim loại quý này. Năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã mua mức kỷ lục 1.136 tấn. Từ đầu năm đến nay, đã có 125 tấn vàng được bổ sung, mức khởi đầu một năm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.
Minter nói rằng nhu cầu của ngân hàng trung ương đang tạo ra giá trị vững chắc trên thị trường và ông không mong đợi xu hướng này sẽ sớm kết thúc. Ông giải thích rằng các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng vì nó vẫn là một công cụ đa dạng hóa hấp dẫn so với đồng USD.
Lý do tiếp theo khiến Minter vẫn lạc quan về vàng là mặc dù Fed đã siết chặt lãi suất do khủng hoảng ngân hàng, nhưng một lần nữa họ lại bắt đầu giải phóng thanh khoản trên thị trường. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ngân hàng mới nhất vào tháng trước, Fed đã mở rộng khoản tín dụng trị giá 323,3 tỷ USD thông qua ba cơ sở cho vay của mình, tăng từ mức chỉ dưới 5 tỷ USD vào đầu tháng 3. “Trong lịch sử, khi bảng cân đối kế toán của Fed tăng lên, vàng sẽ tăng”, ông nói.
Trên thị trường trong nước, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,450 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 66,520 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,080 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 66,500 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,120 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,500 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,100 triệu đồng/lượng (bán ra).