Giá cà phê Robusta vẫn tăng tiếp, trong nước hướng tới 130.000 đồng/kg
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 127.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 128.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 127.900 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 128.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 127.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 125.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 124.900 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 124.900 đồng/kg.
Thị trường cà phê trong nước tăng so với cùng thời điểm hôm qua.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 tăng 44 USD/tấn, ở mức 4.127 USD/tấn, giao tháng 7/2024 tăng 53 USD/tấn, ở mức 4.133 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 4,2 cent/lb, ở mức 227,65 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 4,4 cent/lb, ở mức 225,75 cent/lb.
Cà phê 2 sàn diễn biến trái chiều phiên đầu tuần. Arabica giảm do hợp đồng mua khống trên sàn nhiều, trong khi đó nguồn cung tiếp tục là mối lo, đẩy Robusta tăng chưa có điểm dừng.
Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, nguồn cung được dự báo giảm mạnh. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2023/24 của Việt Nam ước tính giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn.
Các nhà rang xay và giới đầu tư lo lắng những diễn biến ở khu vực Trung Đông có thể làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển cà phê từ châu Á sang châu Âu. Vấn đề này đã xảy ra hồi đầu năm nay khi căng thẳng Biển Đỏ khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các doanh nghiệp cho rằng nếu nền giá cao tiếp tục như hiện nay, các nhà rang xay không sớm thì muộn sẽ rơi vào cảnh vỡ trận kế hoạch sản xuất. Trong một năm qua, giá cà phê tăng 250%, kế hoạch sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp đã bị phá vỡ.
Áp lực tăng giá đang đè nặng các doanh nghiệp. Nếu không tăng giá càng sản xuất càng lỗ, nhưng giá tăng quá cao sẽ mất bạn hàng, giảm sản lượng.
Giá tiêu các nước cùng tăng ngay đầu tuần, tiêu trong nước ổn định
Tại tỉnh Đắk Lắk, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 98.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 97.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 97.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 96.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 98.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 98.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay giữ ổn định tại các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 4.578 USD/tấn, tăng 0,35%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 4.450 USD/tấn, tăng 150 USD/tấn (3,37%); giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.046 USD/tấn, tăng 0,35%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 4.200 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 4.300 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 6.000 USD/tấn.
Giá tiêu trong nước giữ ổn định 2 ngày nay sau chuỗi tăng mạnh tuần trước, trong khi đó thị trường các nước cùng tăng ngay đầu tuần này.
Ở trong nước, vụ thu hoạch cơ bản đã kết thúc tại nhiều địa phương. Tuy nhiên ghi nhận lực bán ra không nhiều. Năm nay nông dân có tâm lý giữ hàng nhiều hơn trong bối cảnh cà phê và các mặt hàng nông sản được giá. Đời sống dư dả giúp người nông dân không phải bán ngay hồ tiêu khi mới thu hoạch, mà có thể giữ lại chờ giá cao hơn.
Tính chung trong quý I/2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 57.000 tấn, trị giá 236 triệu USD, giảm 25% về lượng, nhưng tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Quý I năm ngoái, lực mua sau Covid của thị trường Trung Quốc giúp xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc.
Mọi chuyện trái ngược vào năm nay, Trung Quốc giảm mua mạnh, tuy nhiên hồ tiêu Việt Nam cũng tăng xuất khẩu ở những thị trường khác, và vẫn giữ được mức xuất khẩu tương đối giữa bối cảnh nguồn cung liên tục bị đe dọa.
Giá hồ tiêu tăng mạnh do nguồn cung hạn chế. Nguyên nhân bởi nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản lượng vụ thu hoạch. Thông thường sau thu hoạch, cây hồ tiêu thường bị kiệt sức, lại trùng vào mùa khô nên khả năng bị nấm, bị bệnh cao, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng vụ sau.