Giá nông sản ngày 20/10: Cà phê tăng 100 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 39.400 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 39.500 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.300 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 40.300 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.200 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 40.300 đồng/kg, 40.200 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.300 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 39.400 - 40.400 đồng/kg.
Giá nông sản ngày 20/10: Cà phê tăng 100 đồng/kg. Ảnh: Trần Hiếu
Trên thị trường thế giới, giá cà phê điều chỉnh tăng trong phiên sáng nay. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2021 được ghi nhận tại mức 2.105 USD/tấn sau khi tăng 0,10% (tương đương 2 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2021 tại New York đạt mức 204,25 US cent/pound, tăng 1,31% (tương đương 2,65 US cent).
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê arabica của Việt Nam trong tháng 8/2021 tăng 11,9% về lượng và tăng 0,3% về trị giá so với tháng 7/2021; so với tháng 8/2020, tăng 36% về lượng và tăng 70,8% về trị giá, đạt xấp xỉ 3 nghìn tấn, trị giá 8,11 triệu USD.
Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu cà phê arabica của Việt Nam giảm 20,6% về lượng và giảm 5,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 43 nghìn tấn, trị giá 118,77 triệu USD.
Sau khi ghi nhận mức đỉnh 3.080 USD/tấn vào tháng 7/2021, sang tháng 8/2021 giá xuất khẩu bình quân cà phê arabica của Việt Nam giảm 10,4%, xuống còn 2.759 USD/tấn, nhưng vẫn tăng 25,5% so với tháng 8/2020.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê arabica của Việt Nam đạt 2.758 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân sang tất cả các thị trường chính đều tăng.
Trong thời gian này, xuất khẩu cà phê arabica sang nhiều thị trường giảm so với 8 tháng đầu năm 2020, ngoại trừ Đức, Malaysia, Italia, Canada, Thái Lan và Hàn Quốc.
Giá nông sản ngày 20/10: Tiêu tăng 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đồng loạt tăng 500 đồng/kg lên mức 88.500 đồng/kg và 89.500 đồng/kg.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai giá tiêu hôm nay cũng tăng 500 đồng/kg lên 87.500 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 87.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 86.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 86.500 - 89.500 đồng/kg.
Cả tuần nay, ông Trịnh Văn Tiến, ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp (Bà Rịa - Vũng Tàu) liên tục nhận được điện thoại từ thương lái hỏi mua tiêu. “Dù không còn tiêu để bán nhưng gia đình tôi rất vui. Bởi sau nhiều năm giá tiêu chạm đáy, còn khoảng 34-38.000 đồng/kg, thì nay đã khởi sắc trở lại. Đây là tín hiện tích cực, để người trồng tiêu sớm có thể khôi phục sản xuất”, ông Tiến nói.
Cũng trong tâm trạng vui mừng, ông Trương Bình Minh, xã Bình Ba, huyện Châu Đức chia sẻ, mấy hôm nay, ông liên tục nhận được điện thoại của thương lái báo giá tiêu đang tăng từng ngày. Sau nhiều năm thua lỗ do giá tiêu giảm sâu, năm nay giá tiêu tăng trở lại, khiến ông khấp khởi hy vọng hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực cho thu nhập cao như trước đây.
Ông Minh cho biết, là một trong những hộ hiếm hoi tại ấp Suối Lúp, xã Bình Ba còn duy trì được vườn tiêu. Thời gian qua, giá tiêu xuống thấp, không có vốn tái đầu tư, 10 hộ trồng thì có tới 8-9 hộ đã chặt bỏ, khiến diện tích cây tiêu tại địa phương giảm mạnh. Theo tính toán của ông Minh, dù giá có xuống thấp, cây tiêu vẫn có nhiều lợi thế hơn các loại cây trồng khác. Đặc biệt nếu không bán được, hồ tiêu vẫn có thể dự trữ để chờ thời cơ. Với giá cả như hiện nay, dù chưa có lãi nhiều do nhiều năm qua vườn tiêu không được đầu tư, chăm sóc dẫn tới sản lượng thấp. Trong khi đó, giá thuê người thu hoạch, phân bón, thuốc BVTV ngày một tăng cao dẫn tới chi phí tăng lên đáng kể.
“Hy vọng từ giờ tới cuối năm, giá tiêu ngày càng tăng để nông dân gỡ gạc lại sau nhiều năm giá ảm đạm, lỗ nặng”, ông Minh chia sẻ.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực hồ tiêu, ngoài việc thị trường xuất khẩu bắt đầu khởi sắc trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một trong những nguyên nhân khiến giá hồ tiêu liên tục tăng trở lại trong thời gian qua là do sản lượng tiêu tại các nước đang giảm mạnh do ảnh hưởng thời tiết khô hạn đầu mùa mưa năm 2021 và thiếu sự đầu tư chăm sóc nên diện tích và sản lượng vụ mùa này giảm hơn 30-50% so với vụ trước. Cũng vì vậy giá hồ tiêu hiện tại và thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao bền vững, có lợi cho người sản xuất.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, người dân không nên cứ thấy giá tiêu tăng cao, có lãi là ồ ạt trồng. Thay vào đó, người trồng tiêu nên tập trung chăm sóc vườn tiêu hiện có theo hướng hữu cơ, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, người dân cần hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh, không để dư lượng trong hạt tiêu và đăng ký với hiệp hội để bán tiêu sạch nhằm đạt được giá tốt nhất.
Ngoài ra, người trồng tiêu cần chuyển hướng đa dạng cây trồng, từ chỗ chỉ độc canh cây tiêu, thì nên đa canh, xen canh, tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích. Điều này góp phần hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, người dân cần thay đổi thói quen sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, an toàn...