Theo ghi nhận trên thị trường giá nông sản trong nước, giá tiêu hôm nay 30/9/2019 đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua.
Cụ thể, tại tỉnh Đồng Nai giá hồ tiêu hôm nay dao động ở mức 39.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay ghi nhận ở mức 39.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá hồ tiêu hôm nay được thu mua với mức 41.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước giá tiêu hôm nay đang ở mức lần lượt là 42.500 đồng/kg và 41.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay được thu mua trong khoảng từ 39.000 - 42.500 đồng/kg.
Giá hồ tiêu hôm nay 30/9: Đi ngang, dao động từ 39.000 - 42.500 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, để phát triển xuất khẩu hồ tiêu bền vững trong bối cảnh hiện nay, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục tái cơ cấu ngành hồ tiêu đảm bảo đáp ứng đúng tín hiệu của thị trường.
Bộ Công thương luôn chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các rào cản kỹ thuật, biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước đối với hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam, kịp thời thông tin cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật bất hợp lý trong các cuộc họp song phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, diễn đàn khu vực và đa phương (như đối với EU khi gia tăng mức dư lượng tối đa cho phép MRLs cho hạt tiêu nhập khẩu, đối với Ấn Độ khi gia tăng mức giá nhập khẩu tối thiểu MIP cho hạt tiêu nhập khẩu).
Theo đó, cần kiểm tra, giám sát công tác sản xuất hồ tiêu nguyên liệu, duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 100.000 - 120.000 ha, diện tích cho sản phẩm 95.000 ha, năng suất bình quân trong khoảng 25 - 27 tạ/ha, sản lượng ổn định trong khoảng 237.000 - 256.000 tấn từ nay cho đến năm 2030, để nâng cao chất lượng nguyên liệu hạt tiêu;
Trên cơ sở đó, tái cơ cấu ngành hồ tiêu theo hướng thâm canh bền vững, giảm hoá chất (thuốc bảo vệ thực vật), áp dụng IPM trong sản xuất và hướng tới các tiêu chuẩn chứng nhận về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm để đưa hồ tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi phân phối nông sản toàn cầu.
Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu; áp dụng thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn địa lý.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung và hồ tiêu nói riêng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp (trong đó có ngành hồ tiêu), có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay này.