Chứng khoán khởi sắc, VN-Index vẫn kết phiên trong sắc đỏ
VN-Index mở cửa phiên chiều với lực cầu xuất hiện trở lại giúp kéo chỉ số dần phục hồi về sát mốc tham chiếu nhưng cuối phiên vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,45 điểm (-0,12%), về mức 1.217 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 530 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 12,6 ngàn tỷ đồng.
Về mức độ ảnh hưởng, VCB, MWG, BID và KBC là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 2,9 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, VHM, TPB, CTG và GAS là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất góp hơn 1,3 điểm vào chỉ số chung.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận sự hồi phục tích cực nhất. SSI và VND tăng hơn 1%, VCI và VIX tăng hơn 2%, HCM tăng 3,6%, SHS đứng tham chiếu. Một số mã nhỏ tích cực hơn như ORS tăng trần, HAC +8,9%, CTS +4%, MBS +3,8%, AGR +3,4%, APS +3,2%, BVS +3,2%, BSI +3,1%... Chiều giảm có DSE -2%, TCI -1,6%, VFS -1,4%.
Nhóm ngân hàng có PGB tăng mạnh gần 8%. VBB cũng tăng tốt hơn 5%, TPB tăng 2,6%; NVB, OCB tăng hơn 1%; ACB, CTG, EIB, NAB, SSB, STB, VIB tăng nhẹ. Chiều giảm có BID, HDB, MBB, SGB, VCB, với mức giảm nhẹ. Các mã còn lại đứng tham chiếu.
Nhóm bất động sản cũng hồi phục không đồng đều. Chiều tăng có VHM +1,4%, DXG +1,9%, PDR +1,5%, NVL +1,4%, CEO +1,4%, VPI +1,8%, NTL +4,4%, NHA +3,8%, QCG +3,9%, HQC +3,9%... Tích cực nhất là TCH tăng trần về lại giá 15.150 đồng/cp.
Chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp điều chỉnh mạnh hơn, như KBC -6%, SZC -1,5%, IDC -1,1%, SIP -4,9%, BCM -1,5%, LHG -3,2%, TIP -2,1%... VIC, VRE, DIG, KDH, NLG cũng giảm nhẹ.
Nhóm thép không có biến động đáng kể. HPG giảm nhẹ 0,4% trong khi HSG và NKG đều tăng nhẹ.
Nhóm nông nghiệp có sự trái chiều giữa HAG -3,4% và HNG +4,2%. Nhóm viễn thông có VGI tăng hơn 2%, TTN tăng hơn 4%, MFS tăng hơn 3%; ngược lại, CTR -3,5%, FOX -3,6%, FOC -3,2%...
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng hơn 1.213 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã SSI (265 tỷ), VHM (236 tỷ), HDB (145 tỷ) và MSN (104 tỷ). Ngược lại, STB được mua ròng mạnh nhất với giá trị 33 tỷ đồng, kế đến là TCB 26 tỷ đồng, GAS 20 tỷ đồng, HCM 18 tỷ đồng, VCI 15 tỷ đồng…
Chứng khoán Tiên Phong giao dịch đột biến
Cổ phiếu ORS cũng có phiên giao dịch bùng nổ và khoe sắc tím thành công. Đóng cửa, ORS tăng 6,6% lên mức 13.650 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,38 triệu đơn vị.
Trước đó, công ty này vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với nhiều thông tin đáng chú ý. Tổng doanh thu hoạt động đạt hơn 541 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng nhẹ 3% lên mức 219 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động cho vay margin mang về 58,8 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Hoạt động môi giới cũng ghi nhận kết quả tích cực, đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 21%. Khoản thu nhập khác mang về 229 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.
Về chi phí, doanh nghiệp ghi nhận 117 tỷ đồng ở khoản lỗ từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Ngoài ra, chi phí từ hoạt động môi giới tăng 12%, lên gần 15 tỷ đồng; chi phí dịch vụ khác đạt 251,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Kết quả, Chứng khoán Tiên Phong mang về 132 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 123% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2024, công ty chứng khoán này báo lãi tăng 82%, đạt 308 tỷ đồng.