Hàng hóa, dịch vụ rục rịch tăng giá
Giá xăng, dầu tăng liên tục trong những ngày gần đây đã kéo theo hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá. Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại các chợ truyền thống, hiện giá nhiều mặt hàng thiết yếu ở mức cao. Chẳng hạn như, bắp cải tăng từ 7.000 - 18.000 đồng/kg; rau cải các loại tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/bó…
Không chỉ mặt hàng rau xanh, giá gia cầm, trứng gia cầm, cá, tôm cũng tăng nhẹ, cụ thể: Gà ta tăng 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 130.000 - 150.000 đồng/kg; trứng gà ta từ 30.000 đồng tăng lên mức 35.000 - 38.000 đồng/chục… Trong khi đó, giá sữa, gạo, dầu ăn, đường và các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng tăng từ 10 - 30% so với thời điểm tháng 2/2022 vì đà tăng liên tục của giá xăng, dầu.
Cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng là đối tượng chịu tác động rõ rệt từ giá xăng, dầu tăng. Anh Cao Văn Dũng, chủ quán phở bò trên phố Nguyên Hồng (quận Đống Đa), chia sẻ: “Hiện giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021, cụ thể như: Thịt bò tăng 25%, các loại rau gia vị đều tăng từ 40 - 50%. Tuy vậy, cửa hàng cũng cân nhắc chỉ tăng giá sản phẩm bán ra khoảng 15% để giữ chân khách hàng.
Đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng thì đợt tăng giá trong tháng 3/2022 là rõ rệt nhất. Giá các nguyên liệu đầu vào (xăng dầu, than đá) tăng cao dẫn đến giá sản xuất sắt, thép, xi măng tăng theo, buộc DN phải điều chỉnh giá bán để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao đã khiến giá thép bị đẩy lên và dự báo, thị trường thép trong nước sẽ tăng trưởng từ 15 - 20% trong năm 2022. Đáng chú ý, thời điểm này, một số DN sản xuất xi măng đã thông báo về việc điều chỉnh giá bán và sẽ áp dụng ngay vào cuối tháng 3/2022.
Cụ thể, Công ty CP Xi măng Xuân Thành thông báo điều chỉnh tăng giá bán 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và xi măng rời (đã bao gồm VAT 8%) kể từ ngày 20/3. Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) cũng đã gửi đến nhà phân phối, khách hàng thông báo bảng điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 23/3 đối với các loại xi măng bao và xi măng bao jumbo với mức tăng thêm 100.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).
Phân bón cũng là mặt hàng có mức tăng giá nhanh trong những ngày qua. Giá các loại phân Urea, DAP, NPK, Kali… đồng loạt tăng, trong đó tăng giá mạnh nhất là phân Urea sản xuất trong nước. Khảo sát của phóng viên trong ngày 17/3, giá Urea Cà Mau, Urea Phú Mỹ tăng 200 đồng/kg so với 1 tuần trước đó với mức 18.000 đồng/kg, Urea Hà Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg lên mức 16.000 đồng/kg, DAP Đình Vũ đang được các đại lý bán với giá 18.800 đồng/kg… So với tháng 2/2022, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 - 8%. Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán, giá các loại phân bón tăng.
Giá xăng dầu neo ở mức cao đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực vận tải, khiến các DN kinh doanh vận tải buộc phải điều chỉnh giá cước để bù đắp chi phí. Đơn cử như Grab Việt Nam, từ ngày 10/3, đơn vị này đã chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng.
Ví dụ, giá cước điều chỉnh đối với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng; GrabCar 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng.
Theo đại điện Grab Việt Nam, giá cước trên chưa bao gồm phí nền tảng và các loại phụ phí khác, đồng thời có thể bị điều chỉnh linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.
Triển khai các biện pháp kiểm soát lạm phát
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giá xăng, dầu neo ở mức cao và liên tục được điều chỉnh tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên liệu đầu vào sản xuất và cước vận chuyển sản phẩm, buộc các DN kinh doanh, phân phối hàng hóa phải tăng giá bán để bù đắp chi phí.
Chuyên gia lĩnh vực vận tải Bùi Danh Liên cho hay, với mức giá xăng hiện nay, DN nếu không tăng cước thì càng chạy càng lỗ, nhưng nếu tăng giá để bù đắp chi phí nhiên liệu thì e ngại không có khách. Lúc đó sẽ dẫn tới tình trạng xe "đắp chiếu", DN không có tiền trả lãi vay, trả lương cho người lao động và mất nguồn khách hàng quen thuộc.
"Với lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh và taxi, họ chưa thể tăng giá ngay do phải thực hiện các thủ tục phê duyệt, in lại vé, đổi vé, thay biển báo, đồng hồ... trong khi giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh thời gian tới. Hiện số lượng đầu xe hoạt động vận tải chỉ khoảng 30% do lượng khách sụt giảm, vận chuyển hàng ít” - ông Bùi Danh Liên phân tích.
Như vậy, việc cước vận tải tăng chắc chắn sẽ gây ra tác động không nhỏ tới mặt bằng giá cả hàng hóa tiêu dùng. Điều này khiến nhiều mặt hàng hình thành mặt bằng giá mới, nguy cơ lạm phát tăng cao.
Đại diện Hệ thống Lotte Mart Việt Nam cho biết, hiện đang đàm phán với các đơn vị kéo dài thời gian áp dụng mức giá mới theo thông báo của nhà cung cấp, cố gắng tận dụng nguồn hàng dự trữ trong kho để giữ mặt bằng giá cũ lâu nhất có thể. Tuy nhiên, với áp lực chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, thị trường nhiều mặt hàng sẽ có điều chỉnh ở mức giá mới.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào quan trọng của hầu hết hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Vì vậy, xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Giá xăng dầu tăng 10% làm GDP Việt Nam giảm khoảng 0,5 %.
“Khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa, chính sách thuế đang triển khai, nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát. Điều này dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng” - ông Nguyễn Bích Lâm cảnh báo.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Lạm phát là một trong những yếu tố tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Rút kinh nghiệm từ hậu quả nặng nề khi mất cân đối vĩ mô của giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đây, việc kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ và cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, song song với tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đang triển khai các giải pháp kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, giá nguyên liệu trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng, do đó, Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô, thông qua tăng cường hợp tác với chính phủ các nước giàu tài nguyên. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ DN ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát.
Xu hướng giá xăng dầu sẽ còn tăng tiếp, chứ chưa dừng lại ở mức như hiện nay. Điều này sẽ có tác động rất lớn tới nhiều lĩnh vực như: Vận tải, logistics, hàng hóa tiêu dùng... từ đó tác động lạm phát. Do đó, các ngành chức năng cần sớm thực hiện các giải pháp giảm thuế để "hạ nhiệt" mức tăng của giá xăng, giúp DN, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19." - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - PGS.TS Ngô Trí Long |