Người tiêu dùng mua thịt lợn sạch tại Big C Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải |
Cung vẫn thấp hơn cầu
Khoảng gần một tháng nay, giá lợn hơi ở cả 3 miền có xu hướng hạ nhiệt. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động từ 78.000 – 82.000 đồng/kg; tại miền Trung và Nam dao động từ 79.000 – 82.000 đồng/kg. Như vậy, so với thời điểm cách đây 3 tháng, giá lợn hơi đã giảm được gần 20.000 đồng/kg. Trên thị trường, giá thịt lợn vẫn dao động từ 140.000 – 160.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thời điểm trước khi có dịch. Việc giá thịt lợn tăng cao trong thời gian dài đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người; thay vì dùng thịt lợn, nhiều người chuyển sang các loại thực phẩm thay thế khác hoặc sử dụng các loại thịt lợn nhập khẩu có giá thành rẻ hơn. Điều này, về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn cao là cung vẫn thấp hơn cầu. Theo ông Khải, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã gây tổn thất nặng nề cho ngành chăn nuôi, cả nước phải tiêu hủy 7 triệu con lợn, riêng Hà Nội là 60 vạn con. Điều này dẫn đến tình trạng cung thấp hơn cầu, đẩy giá lợn lên cao. Thời điểm này, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn thấp hơn 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ về nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, năm 2020, với tổng đàn nái 2,9 triệu con, tăng gần 6,94% so với thời điểm 31/12/2019, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II/2020. Cùng với đàn nái, đến nay cả nước có 64.212 con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho đàn nái. Tỷ lệ đàn nái ngoại và nái lai chiếm trên 80%, năng suất sinh sản trung bình của đàn nái đạt 18 con cai sữa/nái/năm, khả năng sinh trưởng cao nên khối lượng xuất chuồng bình quân đạt 87,5kg/con. Vì vậy, dự kiến sản lượng thịt lợn năm 2020 sẽ tương đương với năm 2018. Như vậy, dự kiến đến quý IV/2020 sẽ bảo đảm cơ bản nhu cầu thị trường.
Cần tuân thủ quy luật thị trường
Để hạ giá thịt lợn, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp, trong đó khuyến khích tái đàn, tăng nhập khẩu thịt lợn, đồng thời kêu gọi các DN chăn nuôi lớn hạ giá lợn hơi xuất ra xuống dưới 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến nay, chủ trương này không thực hiện được.
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải, để bình ổn giá lợn, Nhà nước không nên ép giá lợn hơi xuống thấp mà nên để thị trường tự điều tiết. Ngoài ra, việc bình ổn giá lợn là cả một quá trình từ bình ổn giá lợn giống, chi phí chăn nuôi… Thực tiễn tại Hà Nội cho thấy, muốn tăng 60 vạn lợn cần phải có lượng con giống tương đương. Quá trình nuôi một con lợn nái đến lúc sinh sản cũng phải mất thời gian 9 tháng. Hiện nay, Hà Nội mới phát triển thêm được 1,2 vạn lợn nái. Như vậy, phải tới tháng 6/2021 mới có lợn giống ra thị trường. “Chúng ta phải chấp nhận theo cung cầu kinh tế, khi có cung nhiều, không cần khuyến cáo giá cũng tự hạ xuống. Tôi tin rằng tới quý II/2021, giá thịt lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg” – ông Khải nhận định.
Ở góc độ người chăn nuôi, Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho rằng, mặc dù thời điểm này, dịch tả châu Phi đã được kiểm soát, đàn lợn dần được phục hồi nhưng việc tái đàn còn chậm, giá lợn giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng do tâm lý e ngại dịch quay lại và lợn mất giá trong thời gian tới. Do đó, ngoài khuyến khích tăng đàn, đòi hỏi Nhà nước phải hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, có cơ chế khuyến khích các DN. “Việc ép giá lợn xuống thấp ngay lập tức sẽ gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi, e ngại tái đàn” – ông Long bày tỏ.
|