Sức mua thấp, giá tăng cao
Ngay từ sau Tết Nguyên đán đến nay xăng, dầu, gas liên tục tăng giá khiến nhiều mặt hàng thiết yếu thiết lập mặt bằng giá mới. Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A vừa thông báo tăng giá 5% với 45 mặt hàng nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Tương tự Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam cũng thông báo tăng giá trong phạm vi 5% đối với 21 sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, thuộc nhãn hàng Frisolac và Friso.
Chị Trần Ngọc Như ở phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) chia sẻ, từ đầu tháng 3/2022, các quán ăn cơm bình dân, bún, phở... đã tăng thêm 5.000 đồng/suất so với hồi cuối tháng 2. Lý giải nguyên nhân tăng giá bán, anh Sơn chủ cửa hàng phở Cồ Sơn trên phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) nêu rõ, xăng dầu, gas đồng loạt lên giá đã kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm, rau xanh tăng tương ứng.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tươi sống tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa).
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại các chợ truyền thống, hiện giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục ở mức cao, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cụ thể, bắp cải tăng từ 7.000 - 18.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 - 15.000 đồng/mớ.
Các loại rau khác như rau ngót, cải canh trước đây được bán với giá 8.000 - 10.000 đồng/mớ, nay tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/mớ. Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ, hiện thịt nạc vai 50.000 đồng/kg, thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước. Gà ta nguyên lông cũng tăng 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.
Trước thực tế giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu như thịt lợn, rau xanh tăng cao, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ rõ, tuy giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng, nhưng tác động không quá lớn. “Việc giá hàng hóa tăng cao lần này không giống như những lần lạm phát trước đây, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả leo thang.
Hiện hàng hóa rất dồi dào trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập hạn chế. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc giá tăng do người bán “té nước theo mưa” - ông Nguyễn Minh Phong phân tích.
Giữ giá được đến bao giờ?
Giám đốc Co.op mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định, dù đã có nhiều nhà cung cấp “đánh tiếng” tăng giá sản phẩm, nhưng tất cả mặt hàng tại Co.op mart sẽ được giữ nguyên giá ít nhất cho đến hết tháng 3/2022. Nguyên nhân là do từ đầu năm các nhà cung cấp đều ký hợp đồng với siêu thị, trong đó có điều khoản muốn tăng giá mặt hàng phải báo trước 30 ngày, nên tạm thời toàn hệ thống Co.op mart vẫn giữ giá bình ổn.
“Việc tăng giá lúc này sẽ đẩy sức mua xuống thấp hơn nữa, nên doanh nghiệp nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để không tăng giá đồng loạt, biên độ tăng không quá lớn. Ngoài ra, chúng tôi chủ động cắt giảm nhiều chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận" - bà Nguyễn Thị Kim Dung bày tỏ.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Mega Market Hoàng Mai
Đại diện siêu thị Lotte Mart cũng cho biết, siêu thị đã nhận được văn bản đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, nhưng doanh nghiệp vẫn đang cố gắng thương lượng kéo dài thời gian áp dụng giá mới. Đồng thời, sẽ tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá cũ lâu nhất có thể cho người tiêu dùng.
Qua tìm hiểu, hiện nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng cam kết cố gắng trì hoãn việc tăng giá, hoặc nếu bắt buộc phải điều chỉnh giá thì mức tăng sẽ thấp, để có thể chia sẻ, đồng hành với người tiêu dùng trong khoảng thời gian này.
Về mặt lý thuyết, khi giá xăng dầu tăng kéo theo tất cả dịch vụ, hàng hóa đều tăng, nhưng giá hàng hóa không thể đuổi theo vì nếu tăng quá cao sẽ khiến khách hàng “bỏ chạy” không tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy doanh nghiệp phải linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian qua đó giữ giá bán sản phẩm. Ngoài ra Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần cân đối giảm thuế, phí để kéo giá xăng dầu giảm xuống, với những biện pháp như vậy thì may ra mới bình ổn thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng hóa tăng giá. Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, quý IV/2021 hệ thống siêu thị lập mặt bằng giá mới nên mặt hàng tươi sống cao hơn hệ thống chợ dân sinh. “Hiện mặt hàng thịt lợn tại hệ thống siêu thị được bán với giá 200.000 đồng/kg, trong khi chợ truyền thống chỉ 150.000 - 160.000 đồng/kg. Nếu siêu thị tăng giá hàng hóa sẽ kéo sức mua giảm sút”- bà Vũ Thị Hậu nêu rõ.
Đồng tình với phân tích này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết, mặc dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định, do hầu hết đều đã có những ràng buộc hợp đồng với nhà cung cấp. Dự kiến đầu quý II/2022, nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá hoặc đứng ở mức cao các siêu thị sẽ nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp, và buộc phải tăng giá từ 5 - 7%. “Đây là lúc ngành chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá, bảo đảm kiểm soát thị trường, trong đó, cần tổ chức những điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là tại khu công nghiệp, khu dân cư đông người” - ông Vũ Vinh Phú kiến nghị.
Thông tin về việc ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan thông tin, trong tháng 2 và đầu tháng 3/2022, ngành công thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá, không để xẩy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, nhất là mặt hàng xăng dầu.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tập trung kết nối cung cầu, bảo đảm sản xuất; phối hợp với Sở NN&PTNT để tập trung nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, giảm nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh để giảm chi phí kho bãi, giữ bình ổn giá tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.