CX-5 vẫn là mẫu xe thể thao đa dụng bán chạy nhất phân khúc |
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), kết thúc tháng 3, người tiêu dùng đã mua tổng cộng 21.127 xe ôtô các loại, bao gồm 12.858 xe du lịch, 6.969 xe thương mại và 1.320 xe chuyên dụng. Trong đó, lượng tiêu thụ xe du lịch tăng 48% so với tháng 2/2018. Mức tăng ở phân khúc xe thương mại và xe chuyên dụng lần lượt là 109% và 222%.
Lý do cho sự khởi sắc là người Việt bắt đầu mua xe trở lại sau dịp nghỉ Tết Âm lịch hơn và lô hàng hơn 2.000 xe của Honda được thông quan.
Xe lắp ráp vẫn chiếm phần lớn với 18.777 phương tiện được bán ra, tăng 76% so với tháng trước. Xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ đạt mức tăng 37% lên 2.350 chiếc.
Trong tháng 3, một số tên tuổi như Honda, Volkswagen hay Toyota đều thông báo đã có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập trong Nghị định 116 và rục rịch đưa hàng về nước. Trong đó có nhiều dòng xe nguồn gốc ASEAN với thuế nhập khẩu 0%. Dù vậy, trong tháng 3, hầu như chưa có mẫu xe nào đáp ứng quy định mới đến tay khách hàng.
Tổng doanh số 3 tháng đầu năm 2018, lượng tiêu thụ toàn thị trường đạt 59.558 xe các loại, giảm gần 8% so với mức 64.730 xe của cùng kỳ năm 2017. Xe lắp ráp đạt 50.049 chiếc, tăng 8%, trong khi xe nhập khẩu giảm 48% xuống còn 9.509 chiếc.
Top 10 xe bán chạy nhất thị trường có sự thay đổi khi ứng viên luôn ở vị trí nhất nhì bảng tổng sắp là Ford Ranger đã tụt xuống vị trí thứ 7 và là chiếc xe nhập khẩu duy nhất lọt vào danh sách. Toyota Vios tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng bán chạy, đạt tổng doanh số 2.240 xe.
Toyota Innova đứng vị trí thứ 2 với doanh số 1.469 xe. Tiếp đến là Kia Morning, Honda City, Kia Cerato, Mazda3, Ford Ranger, Mazda CX-5, Ford EcoSport, Mazda2 và Toyota Corolla Altis.