Thị trường mua sắm xe đang ở thời điểm sôi động nhất, nhưng các cửa hàng, showroom, garage đều khan hàng không còn xe để bán. Ở vào thời điểm còn hơn 2 tuần nữa là Tết, người mua sẵn sàng đáp ứng mọi điều kiện của hãng xe để có xe đi, như lắp thêm phụ kiện, mua lại hợp đồng hoặc trả tiền phụ trội, nhưng họ đều vấp phải một mẫu số chung: Hết hàng.
Tình trạng khan hàng không chỉ diễn ra ở mảng xe nhập khẩu mà còn cả với xe lắp ráp trong nước.
Một mẫu xe nhập khẩu của Mercedes Benz VN |
Do thiếu linh kiện nên hoạt động lắp ráp của nhiều nhà sản xuất trong nước cũng bị đình trệ. Ngay cả các hãng xe lớn như Hyundai Thành Công, Trường Hải (Thaco) hay Toyota cũng không đủ xe để giao cho khách hàng.
Nguyên nhân được các hãng xe thừa nhận là do chờ đợi nhập khẩu linh kiện theo thuế suất 0% nên hoạt động lắp ráp cũng phải chậm lại. Khi hoạt động sản xuất, lắp ráp ngừng lại để chờ linh kiện thì lượng xe xuất xưởng sẽ giảm mạnh khiến cho thị trường bị thiếu hụt nguồn cung.
Toyota Land Prado, Ford Explorer, CR-V hay Honda Civic giờ đây khách hàng cũng phải tìm mua vì nguồn cầu quá eo hẹp. Thậm chí mẫu xe bán tải đắt khách nhất thị trường Ford Ranger cũng rơi vào cảnh khan hàng khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền để ký hợp đồng.
Thêm vào đó, nút thắt với ô tô nhập khẩu không được nới lỏng khi Thông tư 03/2018 vừa ban hành, hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 vẫn bao gồm những điều khoản vô hình tạo rào cản đối với hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam từ năm 2018.
Thông tư 03/2018/TT-BGTVT do Thứ trưởng Bộ Giao Bộ Giao thông Vận tải ký ngày 10.1.2018, với nội dung hướng dẫn thực hiện các quy định của Nghị định 116, vừa chính thức công bố đã dập tắt những tia hy vọng của các DN nhập khẩu ô tô.
Theo đó các DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp đầy đủ các thủ tục giấy tờ, trong đó phải có bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Đây được xem là khó khăn lớn nhất khiến các DN chưa thể nhập xe về VN.
Chưa kể, DN nhập khẩu ô tô phải có cung cấp bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính xe… được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
Đặc biệt, DN còn phải cung cấp mã số VIN của nhà sản xuất xe, bản sao tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của DN sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra mẫu ô tô được nhập khẩu.
Dù hiện nay, một số hãng đã có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô do Bộ Công thương cấp, và có thể nhập xe về cảng nhưng nếu không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu thì không thể hoàn thành hồ sơ đăng ký, kiểm tra để làm thủ tục thông quan.
Với thời gian kiểm tra thử nghiệm theo quy định mới, mỗi lô xe từ khi được DN nhập khẩu đến khi đến tay người tiêu dùng cũng phải mất ít nhất 3 tháng. Điều này sẽ khiến ô tô nhập khẩu gặp khó khăn để thuyết phục khách đặt mua xe.
Còn rất nhiều mẫu xe đã giới thiệu với khách hàng Việt trong các dịp Hội chợ Triển lãm xe năm 2017 Toyota Wigo, Honda Jazz, Chevrolet Trailblazer… nằm trong diện xe nhập khẩu từ ASEAN hưởng thuế nhập khẩu 0% đến nay vẫn chưa thể tiếp cận được với người tiêu dùng Việt Nam.