Thứ 6, 22/11/2024, 12:43 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Mercedes Benz vẫn bán chạy trong khi các hiệu xe sang khác đều tụt giảm

Mercedes Benz vẫn bán chạy trong khi các hiệu xe sang khác đều tụt giảm
(Tieudung.vn) - Kinh doanh xe sang 6 tháng đầu năm 2017 gặp khó khăn. Nhiều hãng xe giảm giá mạnh, Lexus có mẫu xe giảm hơn 200 triệu, Volkswagen giảm 260 triệu cho 1 mẫu xe nhưng vẫn không cứu vãn được doanh số.

Mercedes Benz Việt Nam cho biết 6 tháng đầu năm bán được 2.898 xe sang các loại, tăng trưởng trên 60% so với cùng kỳ 2016. Trong số đó các mẫu xe GLC, C-Class, E-Class được nhiều khách hàng ưa chuộng, chiếm khoảng 70% số lượng xe bán ra.

Người lên, kẻ xuống

Số liệu từ các DN xe sang cho thấy, 6 tháng đầu năm tổng số xe sang và siêu sang bán ra, đạt khoảng 4.500 chiếc, chỉ bằng 86% cùng kỳ 2016.

Trong khi các mẫu xe có giá bán từ 4-14 tỷ đồng của Mercedes Benz Việt Nam vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng. Mẫu May Bach với 3 phiên bản S400, S500, S600, có giá từ 7-14 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm nhận được hơn 100 đơn hàng. 

Cùng lúc, các thương hiệu xe sang khác lại đang gặp khó khăn. Audi 6 tháng đầu năm chỉ bán được hơn 300 xe ( không tính số xe nhập về phục vụ APEC vào tháng 11 tới). BMW có doanh số bán 278 xe, trong khi đó Lexus đạt 480 xe. Các thương hiệu khác như Land Rover, Porsche, Volvo,... đều sụt giảm.

xe sang, ô tô giảm giá, xe nhập, ô tô giá rẻ, Thị trường ô tô, ô tô nhập khẩu

6 tháng đầu năm, tổng số xe sang và siêu sang bán ra đạt khoảng 4.500 chiếc, chỉ bằng 86% cùng kỳ 2016. 

 

Lexus tại Việt Nam đã từng rất thành công trong thời gian đầu gia nhập thị trường. Đỉnh điểm vào tháng 1/2016 doanh số bán đạt vượt mức 200 chiếc/tháng, gần tương đương với Mercedes-Benz Việt Nam. Lúc đó nhiều người cho rằng Lexus chính là đối thủ tiềm tàng đáng gờm nhất của hãng xe sang Đức, dù giá bán của Lexus cao hơn.​ 

Tuy nhiên, sự thay đổi bắt đầu từ tháng 7/2016, doanh số của Lexus tụt xuống còn 24 xe. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thuế tiêu thụ đặc biệt mới, làm tăng giá toàn bộ xe Lexus vốn sử dụng động cơ dung tích lớn từ 3.5L trở lên. Mặc dù ngay sau đó Lexus cũng đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đưa về các mẫu xe sử dụng động cơ 2.0L Turbo, để tránh thuế cao, nhưng chừng đó có vẻ vẫn chưa đủ. Khách hàng chưa thể quen ngay với những dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ của Lexus, dù đó là động cơ tăng áp. Từ đầu năm 2017 đến nay doanh số bán của Lexus chưa tháng nào đạt 100 xe.

Giá nhiều mẫu xe sang trong 6 tháng đầu năm đã được điều chỉnh giảm mạnh, nhưng cũng chưa lấy lại được đà tăng trưởng. Vào tháng 2/2017 Lexus đã giảm giá hầu hết các mẫu xe bán ra. Lexus LX570 giảm 210 triệu đồng, xuống 7,81 tỷ đồng; Lexus LS460L và Lexus GX460 cùng giảm 140 triệu đồng xuống 7,54 tỷ đồng và 5,06 tỷ đồng; Lexus RX350 AWD giảm 100 triệu đồng xuống 3,81 tỷ đồng; Lexus GS350 giảm 80 triệu đồng xuống 4,39 tỷ đồng; Lexus ES350 giảm 50 triệu đồng xuống 3,21 tỷ đồng.

xe sang, ô tô giảm giá, xe nhập, ô tô giá rẻ, Thị trường ô tô, ô tô nhập khẩu

Giá nhiều mẫu xe sang trong 6 tháng đầu năm đã được điều chỉnh giảm mạnh, nhưng cũng chưa lấy lại được đà tăng trưởng.

Volkswagen Việt Nam vào cuối tháng 6 vừa qua, đã công bố giảm giá mẫu xe Touareg- mẫu SUV 7 chỗ, hạng sang mức 260 triệu đồng. Một thương hiệu khác là Volvo có chương trình tặng 100% lệ phí trước bạ cho khách mua mẫu xe XC 60, tương đương với 228 triệu đồng.

2018: Xe sang không giảm giá?

Ý kiến từ các DN cho biết, xe sang mất đà tăng trưởng là do tác động dây chuyền từ việc xe bình dân giảm giá mạnh và khách hàng có ý chờ đợi sang 2018, thuế phí giảm, mới mua xe. Đại diện Lexus Việt Nam cho biết, nhiều khách hàng đến nay vẫn tin rằng, tới năm 2018 giá sẽ giảm mạnh, khi đó tất cả các mẫu xe, kể cả xe sang đều giảm giá. 

Theo các DN, giá xe sang năm 2018 không có nhiều thay đổi, so với hiện nay. Tới đầu năm 2018, theo cam kết gia nhập Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, từ khu vực ASEAN về Việt Nam, sẽ giảm từ mức 30% hiện nay xuống còn 0%. Những mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên, được cấp C/O Form D, sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế quan 0%. Vì vậy, chỉ những mẫu xe này mới có điều kiện để giảm giá bán cho khách hàng. Ngay cả những mẫu xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN về, không đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối 40%, không có C/O Form D, cũng không được hưởng ưu đãi thuế quan 0%.

xe sang, ô tô giảm giá, xe nhập, ô tô giá rẻ, Thị trường ô tô, ô tô nhập khẩu

Xe sang mất đà tăng trưởng là do tác động dây chuyền từ việc xe bình dân giảm giá mạnh và khách hàng có ý chờ đợi sang 2018 mới mua xe.

Xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các khu vực khác, ngoài ASEAN như: châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... không được hưởng ưu đãi thuế quan nêu trên, kể cả xe bình dân lẫn xe sang. 

Các loại xe sang đang phân phối chính hãng tại Việt Nam, ngoài một 1 số mẫu được lắp ráp trong nước, còn lại, chủ yếu được nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đến nay chưa có mẫu xe sang nào nhập khẩu từ khu vực ASEAN phân phối chính thức tại Việt Nam. Hơn nữa, các thương hiệu xe sang hầu như không đầu tư những trung tâm sản xuất lớn tại khu vực ASEAN, chủ yếu là lắp ráp với số lượng nhỏ, nên không đạt tỷ lệ nội khối 40% và không xuất khẩu sang Việt Nam.

Theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản về Việt Nam ở mức 55-70%, tùy dung tích xi lanh. Mức thuế này tiếp tục được duy trì trong thời gian tới và không có nhiều thay đổi. Chỉ có những mẫu xe có dung tích xi lanh từ 2.0L trở xuống sang năm 2018 sẽ được giảm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, giá những mẫu xe sang sử dụng động cơ 2.0L có thể giảm nhưng không đáng kể. Những xe sử dụng động cơ từ 2.0L trở lên không thay đổi.

Tags:
Vietnamnet
4.7 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.58124 sec| 837.656 kb