Để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt, Bộ Công thương mới đây đã đề xuất 3 nhóm giải pháp chính.
Ở nhóm thứ nhất, Bộ Công thương đề nghị phải tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, khuyến khích sử dụng xe sản xuất trong nước. Trong đó, có các biện pháp đảm bảo sự phát triển minh bạch thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.
Nhóm 2, Bộ Công thương đưa ra các giải pháp hỗ trợ mạnh đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với các sản phẩm chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, áp dụng mức thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ô tô. Nếu được thông qua, đây sẽ là ưu đãi lớn chưa từng có cho những doanh nghiệp này.
Ở nhóm giải pháp thứ 3, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn, sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN.
Đề xuất trên được đánh giá là khá mới lạ, nhằm khuyến khích và xây dựng cơ chế nhằm đến các tập đoàn sản xuất xe hơi lớn của Nga, các nước Đông Âu hoặc Pháp, hiện chưa có cơ sở liên doanh, sản xuất tại ASEAN. Dù vậy, về mặt thị hiếu, các dòng xe của Nga rất ít được người Việt ưa chuộng, còn các dòng xe từ Pháp có giá đắt, khó có đất diễn hơn.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy nhu cầu về ô tô của thị trường trong nước là rất lớn. Cụ thể, số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 5/2017, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) ước đạt 9.000 chiếc, giá trị 187 triệu USD, tăng khoảng 2.000 về lượng và 17 triệu USD về giá trị so với tháng trước đó.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, thị trường đã tiếp nhận 42.000 xe nguyên chiếc, tăng 3,2% so với cùng kỳ, tổng trị giá ước đạt 850 triệu USD. Nếu tính hết các loại ôtô, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã chi hơn 2,2 tỷ USD tiền nhập khẩu.
Bộ Công thương gần đây cũng khẳng định, xu thế ô tô hoá chắc chắn sẽ diễn ra trong thời gian tới. Theo tính toán, đến năm 2020, nhu cầu thị trường trong nước dự tính đạt khoảng 450 – 500 nghìn xe. Đến năm 2025, con số này có thể tăng gần gấp đôi: 800 – 900 nghìn.
Tiềm năng lớn nhưng thách thức đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong bối cảnh hiện tại lại không hề nhỏ, như Bộ Công thương đã thẳng thắn chỉ ra trước đó: hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ, xe ô tô nguyên chiếc nhập về với giá cạnh tranh, khiến Việt Nam có thể thành thị trường khai thác của các nước; Công nghiệp hỗ trợ trong nước kém cạnh tranh, tỷ lệ nội địa hoá 40% đã thất bại; Chính sách phát triển hỗ trợ không đồng bộ, chưa hiệu quả...
Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam bắt buộc phải phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, nếu không, kinh tế vĩ mô có thể trở nên bất ổn. Bởi theo tính toán, với nhu cầu lớn từ 800 – 900 nghìn xe năm 2025 và 1,5 – 1,8 triệu xe năm 2030, nếu ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không tự lo được sẽ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu lần lượt ở 2 thời điểm này rơi vào khoảng 12 tỷ và 21 tỷ USD, gây áp lực nhập siêu lên nền kinh tế.