Năm 2025, trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu (tăng gần 800 chỉ tiêu so với năm 2024). Trường dự kiến mở thêm ngành mới là Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã công bố sơ bộ về chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh hệ chính quy. Theo đó, nhà trường dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành so với năm 2024: ngành Y học cổ truyển tăng 20%; Điều dưỡng tăng 10%; Dược học tăng 30%. Các ngành còn lại không tăng chỉ tiêu.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến năm tuyển 7.990 sinh viên cho 62 ngành và chương trình đào tạo (tăng 340 chỉ tiêu so với năm 2024).
Trường Đại học Tài chính - Marketing sẽ mở thêm ngành Luật thương mại và Kỹ thuật phần mềm. Chỉ tiêu của trường là 4.350 (tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2024). Các phương thức xét tuyển được giữ ổn định như năm trước.
Về phương thức tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế vẫn duy trì các phương thức tuyển sinh như năm ngoái và xem xét mở rộng phương thức theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT cũng như nhu cầu xã hội.
Về tổ hợp tuyển sinh, ngoài các tổ hợp của năm 2024, trường sẽ mở rộng thêm một số tổ hợp cho tất cả các ngành đào tạo. Đồng thời sử dụng thêm môn tiếng Anh và các môn trong nhóm Khoa học tự nhiên (Hóa học, Sinh học, Vật lý) để đưa vào tổ hợp xét tuyển của một số ngành. Về chỉ tiêu tuyển sinh, trường giữ nguyên chỉ tiêu như các năm về trước nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Năm 2025, Trường Đại học Thương mại phát triển thêm 7 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, nhằm trang bị cho sinh viên khi ra trường vừa có kỹ năng chuyên môn vừa có khả năng ngoại ngữ, tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Ngoài ra, trường dự kiến có thêm 2 chương trình song bằng quốc tế Marketing và Quản trị kinh doanh, 1 chương trình chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Ông Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng Phòng Truyền thông và tuyển sinh, Trường Đại học Thương Mại cho biết, nhà trường luôn cập nhật đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn để tiếp cận với nhu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra.
Năm 2025, Đại học Bách Khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô số đầu tiên tại Việt Nam nhằm cung cấp cho thị trường lao động Việt Nam và khu vực những kỹ sư có năng lực vượt trội. Đây là chương trình sau đại học, tương đương thạc sĩ, do đơn vị thành viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội là Trường Cơ khí và Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông cùng xây dựng.
Sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân các ngành phù hợp được đăng ký xét tuyển như: Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ khí điện lực… Ngoài ra, chương trình cũng mở rộng cho cử nhân từ các trường đại học khác, với điều kiện đáp ứng các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng đầu vào.
Theo TS. Ngô Lam Trung - Phó Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, quyết định mở chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù đến từ thực tế phát triển ngành công nghiệp ô tô và phần mềm dành cho ô tô.
Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ đã phê duyệt chủ trương mở các ngành mới ở trình độ đại học và thạc sĩ. Dự kiến, các ngành này sẽ được tuyển sinh đào tạo từ năm 2025. Trong đó, các ngành đào tạo đại học chính quy mới dự kiến bao gồm: Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Trí tuệ nhân tạo, Thú y (chất lượng cao), Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (chất lượng cao), Tâm lý giáo dục, Thương mại điện tử, Luật dân sự và tố tụng dân sự.
Năm 2025, Trường Đại học FPT cũng dự kiến mở thêm 6 chuyên ngành mới (thuộc ngành Luật và Quản trị kinh doanh), có triển vọng trong tương lai: Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế.