Tên ngành… không liên quan đến tên trường
Một trong những điểm thu hút sự quan tâm của dư luận, phụ huynh, học sinh tại mùa tuyển sinh năm 2024 là sự ra đời của các ngành học mới, lạ. Thực tế, cái mới này không do bản chất của ngành mà đến từ cơ sở đào tạo khi tên trường và tên ngành có vẻ… không mấy liên quan.
Học sinh hào hứng với các thông tin tuyển sinh năm 2024 (Ảnh: HUST)
Vốn là trường có tên tuổi hàng đầu Việt Nam, đóng đinh với công tác tuyển sinh và đào tạo các ngành kỹ thuật như: Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, CNTT- Khoa học máy tính…. thì năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tuyển sinh thêm một ngành học mới là Quản lý giáo dục với số chỉ tiêu dự kiến khoảng 60 sinh viên.
Hai trường tốp đầu khối kinh tế là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Trường ĐH Ngoại thương năm 2024 cũng dự kiến mở ngành mới về lĩnh vực kỹ thuật công nghệ.
Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mở 4 ngành mới: Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Còn Trường ĐH Ngoại thương dự kiến mở ngành Khoa học máy tính thuộc chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
Với Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội – một trường có truyền thống đào tạo ngành khoa học xã hội cơ bản thì năm 2024 dự kiến mở thêm mã ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng. Học viện Phụ nữ Việt Nam thông tin sẽ mở ngành Kinh tế số, tuyển 60 sinh viên cho khóa tuyển sinh đầu tiên.
Không chỉ các trường ĐH phía Bắc mở ngành học mới, nhiều cơ sở giáo dục ĐH phía Nam cũng gây bất ngờ khi công bố tuyển sinh hàng loạt ngành học lạ như: Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh mở 2 chương trình đào tạo gồm ArtTech (Công nghệ nghệ thuật) và Điều khiển thông minh - tự động hóa; Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh thì mở thêm 2 ngành là Kinh tế số và Kỹ thuật phần mềm; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh mở thêm ngành Tâm lý học giáo dục…
“Đọc thông tin tuyển sinh của các trường, tôi thấy khá thú vị và bị thu hút bởi các ngành mới mở. Thay vì học ngành đó tại một trường vốn đào tạo truyền thống, tôi hào hứng khuyên con có thể nghiên cứu thêm các trường khác. Ví dụ, thay vì học Quản lý giáo dục ở trường chuyên đào tạo về sư phạm hay giáo dục, con có thể thử học ngành đó ở ĐH Bách khoa Hà Nội. Tôi cho rằng đây là trải nghiệm rất hay và cần tư duy đổi mới từ chính người học…”, phụ huynh Hoàng Hoa Ngân, trú tại quận Cầu Giấy bày tỏ.
Là học sinh yêu văn học, thích xem phim Truyền hình Việt nhưng lại không có khiếu đặc biệt về nghệ thuật, Nguyễn Hải Âu, trú tại huyện Đan Phượng từng khó khăn khi tìm hướng đi về nghề nghiệp cho mình. Do đó, khi đọc thông tin về ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, em thực sự bị thu hút. “Em mường tượng ngành này thiên về văn học, kịch bản phim hoặc gì đó tương tự. Em rất tò mò và sẽ nghiên cứu kỹ hơn về nó”, Hải Âu bộc bạch.
Gắn ngành mới với thế mạnh truyền thống
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, ngành Quản lý giáo dục mà ĐH Bách khoa dự kiến tuyển sinh thuộc khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục. Hiện khoa đào tạo ngành Công nghệ giáo dục nhằm cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng áp dụng các xu hướng công nghệ mới nhất vào giáo dục. Việc ra đời ngành Quản lý giáo dục sẽ hoàn thiện đối tượng còn thiếu là đội ngũ đảm nhận việc tổ chức đào tạo và quản lý.
Ngành học mới có sức hút mạnh với học sinh (Ảnh: HPN)
Lý giải mối liên kết giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và ngành Quản lý giáo dục, PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: Thay vì các phương thức thủ công như trước, quản lý giáo dục ngày nay đặt ra yêu cầu cao về việc dùng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý. Với thế mạnh là cơ sở đào tạo hàng đầu về kỹ thuật và công nghệ, người học ngành Quản lý giáo dục tại ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được đào tạo thêm các kiến thức về công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,... giúp đáp ứng yêu cầu của thời đại.
“Nhà trường đã có sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất và chương trình đào tạo cho ngành học mới này. Về đội ngũ giảng viên, khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục có truyền thống lâu đời, với nhiều chuyên gia về lĩnh vực quản lý giáo dục, công nghệ giáo dục,... Hơn nữa, ĐH Bách khoa Hà Nội có THCS & THPT Tạ Quang Bửu - một địa chỉ thực hành, thực tập cho các em sinh viên”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền thông tin thêm.
Về việc mở 4 ngành mới, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định trường đã có sự chuẩn bị từ sớm và có chiến lược cho việc đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cùng các yêu cầu khác.
Trước đây, kinh tế, quản lý, quản trị vốn là 3 trụ cột chính trong đào tạo của nhà trường. Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, trường đã có một số ngành thuộc về công nghệ hay khoa học xã hội như: Luật, Ngôn ngữ Anh, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin…, để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với sự phát triển trong thời đại công nghệ số. Những ngành liên quan đến công nghệ mà trường sắp mở sẽ có sự khác biệt với các trường khác trong định hướng ứng dụng, tập trung vào lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh.
Về ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng chuẩn bị tuyển sinh, ông Bùi Thành Nam - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, trường mở ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trường không hướng tới đào tạo diễn xuất mà chú ý về kịch bản, phê bình điện ảnh một cách bài bản. Thông tin cụ thể về ngành học sẽ sớm được chia sẻ để phụ huynh, học sinh được biết.
Có thể thấy, các trường ĐH hiện nay đều có cách tiếp cận đa ngành, liên ngành; kiến thức của một ngành học được thiết kế giao thoa, tương tác với nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cũng tận dụng và phát huy thế mạnh truyền thống của trường. Việc các cơ sở giáo dục ĐH mở ngành học mới thực chất là việc đi trước, đón đầu xu thế, giúp sinh viên thêm nhiều cơ hội tiếp cận, từ đó có lựa chọn nghề nghiệp tốt cho mình trong tương lai.