Kể từ năm 1975 đến nay, chưa khi nào nhạc bolero lại rộn ràng, được nhà nhà, người người hát như hiện tại. Không chỉ album, chương trình ca nhạc mà nhiều chương trình truyền hình thực tế hiện nay cũng chọn bolero làm tiêu chí tranh tài với không ít kịch tính và tranh cãi.
Nổi bật trong số những chương trình có liên quan đến bolero trên sóng truyền hình hiện nay là Solo cùng bolero (THVL) và Thần tượng bolero (VTV).
Nếu Solo cùng bolero (đã hoàn tất mùa thứ hai) khá thuần bolero thì Thần tượng bolero (đang phát sóng tối thứ năm hằng tuần trên kênh VTV3) lại bị cho là “ăn theo bolero”, đang gặp không ít tranh cãi khi đã bước vào vòng chung kết.
Để hút khách trong bối cảnh nhà nhà bolero, các nhà tổ chức đã bày nhiều chiêu trò làm mới, kết hợp bolero với vũ đạo hay là biến thể cả bolero sang với Rock, với Jazz, thậm chí với nhạc kịch cùng dàn giao hưởng... Nhiều tiết mục bị làm mới lạ đến mức bị khán giả gọi là “thảm họa”. Điều đáng nói, để lôi kéo cho chương trình, nhiều giọng ca “thường thường bậc trung” cũng được “đẩy” lên thành “Nữ hoàng bolero”, “Ngọc nữ bolero”, “Thánh bolero”... Danh xưng nhiều tới mức có chương trình ca nhạc bình dân, khán giả thấy toàn “Vua” với “Nữ hoàng”.
Nhưng sau vài năm phát triển ồ ạt, gần đây các chương trình bolero đã bắt đầu có dấu hiệu thoái trào khi lượng người xem giảm dần. Theo kết quả kiểm tra của hệ thống đo lường khán giả truyền hình của Vietnam-Tam, tính từ đầu năm lượng khán giả theo dõi chương trình truyền hình thực tế đã giảm từ 4,5% xuống 2,3% tại thị trường Hà Nội và từ 7,5% xuống 3,4% tại TP HCM. Nhạc sĩ Hàn Châu có những ca khúc bolero được nhiều người yêu thích đã phải thốt lên: “Các cuộc thi bolero đua nhau tổ chức để giành người xem, thượng vàng hạ cám rồi bày ra đủ thứ chiều trò câu khách, làm méo mó cái hay cái đẹp của bolero thì khán giả chán ngán cũng là điều tất nhiên”.
Tuy nhiên hiện nay, dù đã có dấu hiệu thoái trào nhưng các nhà tổ chức vẫn chưa muốn ngừng lại với các chương trình bolero. Các chương trình truyền hình vẫn tiếp tục ăn theo bolero. Nhưng theo một nhà sản xuất, việc giảm lượng khán giả đến với bolero chính là cơ hội để các nhà sản xuất đích thực sẽ đầu tư các chương trình đạt chất lượng. Và như thế thì bolero mới thực sự trở lại với cái hay, cái đẹp vốn có.
Nhiều thì sinh tìm đến các cuộc thi tìm kiếm tài năng bolero không phải vì đam mê mà đơn thuần là tìm kiếm cơ hội tỏa sáng nhờ dòng nhạc đang có nhiều người yêu thích. Họ coi bolero như "phương tiện" để kết nối khán giả, "bệ phóng" để bước chân vào showbiz.
Nhiều ca sĩ hát bolero không phải vì có chất giọng phù hợp hay thử sức mà đơn thuần là để bắt nhịp xu hướng thời thượng, chiều lòng khán giả hâm mộ. Sau tất cả, nhạc bolero không có thêm sáng tác mới hay được bổ sung bằng những gương mặt nghệ sỹ mới tâm huyết. Nhiều người hát bolero nhưng rất hiếm giọng hát nào có màu sắc, phong cách riêng.
Nhạc Việt không thể phát triển nếu chỉ chạy theo trào lưu. Nghệ sỹ không thể thành công nếu không có phong cách riêng trong sáng tạo nghệ thuật. Sự thoái trào của bolero có lẽ lại là một tín hiệu đáng mừng cho nhạc Việt bởi nhạc Việt cần phải trở lại với giá trị thực của mình. Nhạc Việt cần được xây dựng trên nền tảng vững chắc với lớp nghệ sỹ thực sự tài năng, tâm huyết, tận tâm sáng tạo và cống hiến. Những giá trị ảo không thể và không bao giờ tạo nên nền móng vững chắc cho sự phát triển âm nhạc Việt.