Ngày xưa, giờ chắc là chuyện cổ tích rồi. Ăn tết xong chừng một tháng, cả xóm lồng đèn ở giáo xứ Phú Bình (P.5 Q. 11 TP.HCM), một nơi chuyên sản xuất lồng đèn thủ công bắt đầu chuẩn bị cho vụ mùa lồng đèn Trung Thu. Nhà nhà chẻ tre, bẻ khung, người người làm đèn ngồi la liệt ngoài đường đi. Rồi cứ sau rằm tháng 7, xóm đạo ấy trở nên nhộn nhịp, kẻ bán người mua tấp nập tạo nên một hoạt cảnh huyên náo đến lạ thường.
![]() |
Giờ chỉ là lồng đèn Trung Quốc thay thế. |
Lồ ô, một loại giống tre nhưng dẻo hơn và mỏng vỏ rỗng ruột từ các nơi đổ về. Rồi tiếng cưa cắt, tiếng chẻ nhỏ vót nan cứ như một điệu nhạc. Ai làm việc nấy theo từng công đoạn. Chiếc khung hình thành chuyển đến tốp người dán giấy kính. Cứ thế đến khi hoàn tất chiếc lồng đèn với nhiều màu sắc cộng thêm những nét vẻ điểm tô tạo cho chiếc lồng đèn như có hồn hẳn lên.
Cảnh tượng này giờ chỉ còn trong hoài niệm của cô Lan, một trong hai nhà làm lồng đèn hiếm hoi còn sót lại ở giáo xứ Phú Bình. Thời hoàng kim của lồng đèn Phú Bình đã lùi khá xa vào dĩ vãng. Thời gian tồn tại của xóm lòng đèn truyền thống này có thể chỉ còn tính bằng ngày tháng. Giờ về xóm lồng đèn ở đây, chỉ là để nhớ những người muôn năm cũ, đường vào giáo xứ Phú Bình không có vẻ gì là một xóm lồng đèn như chính cái danh xưng tự thuở nào. Từ ngày các loại đồ chơi du nhập từ nước ngoài về tràn ngập thị trường thì cái xóm lồng đèn này mỗi năm mỗi vắng.
Từ đường Lạc Long Quân, ngay cổng chào giáo xứ Phú Bình đi vào, chỉ còn có khoảng vài nhà còn sản xuất đèn Trung Thu thủ công. Con đường nhỏ dẫn vào khu Giáo xứ Phú Bình không còn tràn ngập màu sắc lung linh của những chiếc lồng đèn. Mặc dù vậy tại các cửa hàng, vẫn có rất nhiều người khách từ xa đến đây để đặt mua lồng đèn. Nhưng ít ai biết được, để gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống ấy, thì họ, những nhà sản xuất lồng đèn đã thăng trầm như thế nào vì cơm áo gạo tiền.
Có từ bao giờ !
Từ lâu người ta gọi nơi đây là xóm lồng đèn bởi từ những thập niên 50 của thế kỷ trước đến hôm nay nơi đây là cái nôi của nghề làm lồng đèn. Chính xác là sau năm 1954, người Bắc gốc Nam Định vô đây cư ngụ hình thành một quần cư. Khởi đầu chỉ một vài nhà học được nghề làm lồng đèn rồi chẳng mấy chốc cả xóm đều làm. Nguyên liệu rẻ, nhân công rẻ sức bán không bị cạnh tranh, chiếc lồng đèn bằng giấy kính đủ mẫu mã đã một thời xuất hiện khắp đường phố lung linh vào dịp rằm tháng 8.
![]() |
Nhìn những chiếc lồng đèn treo lủng lẳng, tôi chợt nghĩ đến thời thơ ấu của mình. Có lẽ cả một quảng đời niên thiếu, chiếc lồng đèn này là niềm mơ ước của mình nhưng không sao có được. Nhìn đám bạn tung tăng xách con cá, con cua, con bướm, trong khi mình và một số bạn cùng cảnh ngộ với chiếc lồng đèn tự làm bằng lon sữa bò, thế mà vẫn vui trong đêm Tung thu. Tuổi thơ đâu biết phân biệt nghèo hèn sang trọng là gì.
Những người lành nghề, dán đẹp không còn làm nữa. Lại còn công đoạn tô điểm cho chiếc lồng đèn. Con cá thì thêm vảy, con cua thêm càng. Những người làm công đoạn này cũng chẳng còn nhiều nhưng cũng cố cầm cự. Tất cả trôi đi như nhịp thời gian lần cuốn hút những người thợ thủ công làm đẹp cho đời, cho trăng rằm Trung Thu.
Những người muôn năm cũ đã làm những chiếc lồng đèn giấy kiếng có thể rồi sẽ không còn hoặc hết khả năng lao động. Thế hệ sau sẽ nối tiếp như một sự kế thừa để mãi mãi những chiếc lồng đèn xinh xắn kia có mặt trong đêm trung thu trên tay các em nhỏ. Nó là hồn của dân tộc, là tinh hoa là nét đẹp văn hóa của muôn đời.
Vẻ quạnh hiu của một buổi chợ chiều phủ khắp xóm lồng đèn này từ lâu lắm và giờ đây chỉ còn một vài hộ còn cố níu kéo cái thưở vàng son xa xưa.
Cách nơi gọi là xóm đèn lồng chừng vài chục mét, nhiều người dân bây giờ thậm chí còn chẳng biết là quanh chỗ mình ở từng có một chỗ nhộn nhịp nghề truyền thống như thế. Lác đác trên đường vào xóm đạo, người ta có thể nhìn thấy một vài cửa hàng bán lồng đèn, nhưng sản phẩm được bày chủ yếu là các loại đèn làm bằng nhựa, chạy pin, có tiếng kêu và xuất xứ từ Trung Quốc, những sản phẩm bị nhi đồng coi là “thế hệ @” xem là quê mùa đã khiến lồng đèn Phú Bình suy thoái. Tiếng đèn Trung Thu làm bằng nhựa chạy pin kêu pít pít của Trung Quốc đã làm xóm lồng đèn Phú Bình chết dần, chết dần.
Giọng nói miền Bắc đặc sệt, của một cụ bà gốc Nam Định kể lại lai lịch gốc tích của làng nghề này làm lòng tôi nhoi nhói.
“Thập niên 50 của thế kỷ trước, chiến tranh và cuộc sống mưu sinh, đã đưa gia đình tôi từ Nam Định đến và dừng lại ở đây. Thấy khu vực này người Hoa sinh sống nhiều, nên sẵn có cái nghề làm lồng đèn của vùng quê Nam Định, chúng tôi quyết định dán díu nhau lại và phát triển cái nghề truyền thống của cha ông. Tôi nhớ mùa trung thu năm 1995, khi đèn lồng của Trung Quốc xuất hiện tràn ngập trên thị trường Việt Nam, từ vùng nông thôn đến thành thị, với nhiều mẫu lạ mắt, sinh động bằng những tiếng nhạc, những đèn chớp đủ màu sắc, giá cả lại không cao, vì vậy lồng đèn trong nước gần như mất hẳn thị phần". Bao nhiêu năm dâu bể chúng tôi gặp nhiều khó khăn tưởng chừng có lúc phải bỏ nghề.
Đôi mắt cụ ấy không nhìn tôi, mà dõi mắt xa xăm nhìn về quá khứ đã bị hiện tại chẳng thuận lòng người, đau lòng sáu chữ "nhất nghệ tinh - nhất thân vinh".