Quy định này sẽ có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, tức ngày 7/6 tới.
Khi thượng đế bị “ép”
Tình trạng một nhà mạng độc quyền cung cấp dịch vụ tại các chung cư cao tầng đã được người dân phản ánh từ nhiều năm trước. “Khi còn ở nhà mặt đất, tôi có quyền lựa chọn bất kỳ nhà cung cấp nào, gọi điện hôm trước thì hôm sau đã được lắp đặt luôn. Nhưng từ khi chuyển về ở chung cư Kim Văn – Kim Lũ này thì chỉ có 1 nhà mạng duy nhất là FPT, truyền hình là VTV. Vì được độc quyền nên họ cũng rất “kiêu” – chị Bùi Thị Hoa, ở chung cư Kim Văn – Kim Lũ, Hà Nội phản ánh. Đáng nói là dù bức xúc với việc bị “ép” dùng dịch vụ của một nhà cung cấp song phần lớn khách hàng vẫn phải... ngậm bồ hòn làm ngọt. “Vì không ký hợp đồng với họ thì cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác” - chị Nguyễn Thu Hằng ở chung cư Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cho hay. Chưa hết, vì là nhà cung cấp độc quyền nên các DN thường đưa ra “điều kiện” làm khó khách hàng. Ví như để được lắp đặt internet, các chủ hộ phải trình hộ khẩu tại Hà Nội, nếu muốn thay đổi gói cước dịch vụ thì phải do “chính chủ” đứng tên hợp đồng đến phòng giao dịch của nhà mạng xin đổi mới chấp nhận.
Mỗi chung cư ít nhất phải có 2 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, internet, cáp quang. Ảnh: Tú Ân |
Sở dĩ có sự độc quyền như vậy là vì ngay từ khi thiết kế, xây dựng, để giảm bớt chi phí đầu tư, các chủ dự án đã chọn giải pháp hợp tác với một DN chuyên cung cấp hạ tầng viễn thông, truyền hình để các đơn vị này lắp đặt cáp vào tòa nhà. Sau đó cam kết ưu tiên cho đơn vị này khai thác dịch vụ. Chính cái “bắt tay” ngầm giữa chủ đầu tư, Ban quản lý chung cư với nhà cung cấp đã tạo ra sự độc quyền về dịch vụ.
Chấm dứt độc quyền
Trước thực trạng kể trên, ngày 27/5, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 19. Theo đó, để tránh tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ trong các tòa nhà hiện nay, Hà Nội quy định hệ thống cáp viễn thông phải được thiết kế, lắp đặt có đủ dung lượng để ít nhất 2 DN có thể tham gia cung cấp dịch vụ, hoặc cung cấp thêm dịch vụ theo nhu cầu của người sử dụng. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này vừa tạo thuận lợi cho các DN bưu chính, viễn thông, truyền hình cáp trong quá trình cung cấp dịch vụ, vừa đảm bảo cho người dân được hưởng đầy đủ các dịch vụ bưu chính, viễn thông tốt nhất, tránh tình trạng độc quyền như vừa qua.
Đại diện Công ty CP BIC Việt Nam, chủ đầu tư một số dự án chung cư ở Hà Nội cũng nhìn nhận, Quyết định 19 là phù hợp và đúng đắn với tình hình thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn với những chung cư cũ, tòa nhà đã hoặc đang xây dựng trước thời điểm Quyết định 19 có hiệu lực thì sao? Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội cho biết, Quyết định 19 có riêng một “điều khoản chuyển tiếp”: Đối với các tòa nhà đã hoàn thành việc xây dựng hoặc đã được phê duyệt nhưng đang triển khai dang dở trước thời điểm quy định này có hiệu lực thì TP khuyến khích chủ đầu tư lắp đặt bổ sung thêm hộp thư tập trung. Ngoài ra, đối với các tòa nhà đã đầu tư xây dựng hệ thống cáp viễn thông trước thời điểm quy định có hiệu lực, đơn vị quản lý tòa nhà phải tạo điều kiện cho các DN viễn thông sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cung cấp các dịch vụ cơ bản (điện thoại cố định, internet, truyền hình cáp) cho người dân.
Tại các dự án do chúng tôi làm chủ đầu tư, mặc dù đơn vị chủ quản đô thị có ký hợp đồng độc quyền với các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng không vì đó mà công trình của chúng tôi chỉ xây dựng 1 đường viễn thông cung cấp mà thường có từ 2 - 3 đường để người dân lựa chọn. Điều này đã nhận được sự đồng thuận của Nhân dân làm cơ sở để chúng tôi triển khai và thương lượng với các nhà mạng độc quyền trong khu vực. Trưởng phòng Marketing Công ty BIC Việt Nam Lê Anh Vũ |