Nhà đầu tư đòi bồi thường
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên hủy các quyết định giao đất, cho thuê đất trái luật và giao cho UBND TP thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn. Đồng thời đề nghị tịch thu số tiền liên quan đến tội phạm, xử lý vật chứng và tài sản kê biên. Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy) đã đặt câu hỏi khi quyết định chấp thuận đầu tư dự án bị hủy bỏ và bị thu hồi, thì chi phí của các nhà đầu tư đã đầu tư vào dự án sẽ được tính như thế nào? Ông Hà Phước Thắng – Chánh Văn phòng UBND TP (đại diện cho UBND TP), nói: “Liên quan đến vấn đề này, xin phép không trà lời. Để hiểu rõ hơn, luật sư có thể trao đổi với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)”.
Đại diện Sở KH&ĐT, cho rằng thứ nhất bản thân việc chấp thuận chủ trương đầu tư tại thời điểm năm 2010, không trên cơ sở trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư. Thứ hai, Sở KH&ĐT cũng không phải cơ quan trình về việc chấp thuận chủ trương đầu tư. Việc thu hồi, chấm dứt cũng như các chi phí liên quan việc bồi hoàn cho nhà đầu tư cũng như việc xử lý quyền, lợi ích của nhà đầu tư cũng không thuộc phạm vi Sở KH&ĐT có thể tham vấn.
Nguyên Giám đốc Công ty Hoa Tháng Năm Lê Thị Thanh Thúy tại phiên tòa
“Đối với việc chấm dứt chủ trương đầu tư và việc bồi hoàn chi phí cho nhà đầu tư trong trường hợp này thì chúng tôi chưa xác định được nó thuộc phạm vi chuyên môn của sở. Vì bản thân việc cấp cái đó cũng không theo quy trình mà sở đang thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư”, đại diện Sở KH&ĐT, nói.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cũng đặt hàng loạt câu hỏi với bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (SN 1979, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue, nguyên Giám đốc Công ty Hoa Tháng Năm) vì sao tin tưởng đủ năng lực tham gia dự án khi Công ty Hoa Tháng Năm mới thành lập ngày 6/4/2010? Ai giới thiệu gặp bà Nguyễn Thị Thu Thủy? Vì sao Công ty CP Hòn ngọc Viễn Đông không tiếp tục tham gia dự án? Trước đó bị cáo Thúy có quen biết nhóm 4 Công ty thuộc Bộ Công thương (Công ty CP Kim khí TP; Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn; Công ty CP Hóa chất vật liệu điện TP; Công ty CP Vận tải xăng dầu Vitaco) cổ đông của Công ty Lavenue? Vì sao lại ký công văn xin 2 hình thức: thuê đất và được giao đất? Đến nay bộ máy nhân sự của Công ty Lavenue còn hoạt động không? Cáo trạng cho rằng lợi dụng sự quen biết với ông Tài nên bà Thúy trục lợi dự án?
Ông Lê Hoàng Quân giới thiệu bà Thúy gặp bà Thủy?
Trước hàng loạt câu hỏi của luật sư, bị cáo Thúy cho biết Công ty Hoa Tháng Năm thành lập trước khi xin dự án số 8-12 Lê Duẩn khoảng 4 tháng, với mục đích trở thành công ty đầu tiên đầu tư lĩnh vực khách sạn tại TP Hồ Chí Minh.
“Tôi tự tin khả năng tài chính cũng như kinh nghiệm cá nhân vì đã điều hành những khu khách sạn của gia đình ở Hội An (TP Đà Nẵng). Ở Việt Nam thời điểm 2011, dịch vụ khách sạn 5 sao rất mới, nên việc vận hành không có tổ chức hay cá nhân nào trong nước điều hành tốt. Do đó tôi đã mời nhiều đơn vị quốc tế vào làm việc. Khi được ông Lê Hoàng Quân (lúc đó là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) giới thiệu gặp bà Nguyễn Thị Thu Thủy (thời điểm này là Giám đốc Công ty QLKD nhà TP. Hiện đã bỏ trốn) thì bà Thủy cho tôi xem nhiều hồ sơ từng hợp tác đầu tư với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Khi giới thiệu về dự án số 8-12 Lê Duẩn, bà Thủy khẳng định TP có chủ trương xây khách sạn 5 sao. Trước kia có Công ty CP Hòn ngọc Viễn Đông với thành phần HĐQT gồm: Công ty Vàng bạc đá quý; Tổng Công ty Công nghiệp, Công ty QLKD nhà TP. Nhưng họ chưa bao giờ kinh doanh, điều hành khách sạn 5 sao, lại được TP chấp nhận chủ trương đầu tư dự án này. Tôi cũng nghe bà Thủy giải thích Công ty CP Hòn ngọc Viễn Đông không đủ vốn, nên không tiếp tục thực hiện dự án và mời tôi tham gia”, bị cáo Thanh Thúy trả lời.
Cũng theo bị cáo Thúy, trước thời điểm tháng 10/2009, hoàn toàn không có mối quan hệ nào với nhóm 4 Công ty thuê đất trong khu dự án (Sau là cổ đông của Công ty Lavenue), và chỉ gặp họ đúng 1 lần trước hoặc sau khi được cấp giấy phép. Sau đó ở tất cả các cuộc họp, nhóm 4 Công ty đều ủy quyền cho ông Nguyễn Cao Thành.
Ông Nguyễn Thành Tài chưa cho tôi cái gì cả
Việc ký công văn số 01/2011 đề xuất 2 hình thức xin giao đất và thuê đất, cũng được bị cáo Thúy cho biết do lúc đó trên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue, làm đại diện pháp luật nhưng chưa thuê được Tổng giám đốc điều hành. Qua các cuộc họp và đề xuất của bà Thủy về vấn đề 2 giá, là nhà đầu tư nên bà Thúy thấy có lợi là không phải dồn tiền một lần nên tham gia dự án.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải chịu áp lực trả tiền thuê đất hàng năm, nhưng không được thế chấp để vay ngân hàng. Đối với tỷ lệ góp 30% vốn trong 50% vốn của Công ty QLKD nhà TP, do công ty này đề xuất. Lý do chúng tôi góp 30%, vì bà Thủy chia sẻ công ty do bà lãnh đạo không có vốn đầu tư, cũng như không đủ năng lực quản lý khách sạn 5 sao. Còn việc thành lập Công ty Hoa Tháng Năm do bị cáo và gia đình muốn có một pháp nhân riêng để tự quyết định và tách hẳn các công ty khác của gia đình đang nắm giữ. Khi tiếp xúc bà với Thủy, tôi gửi hồ sơ năng lực tài chính của Công ty Hoa Tháng Năm để chứng minh. Sau đó, bà Thủy có gửi lên các cơ quan cấp trên hay không, tôi không biết”, bị cáo Thúy, nói.
Cũng theo trả lời của bị cáo Thúy trước tòa, kể từ khi dự án bị dừng đến nay, bộ máy lãnh đạo của Công ty Lavenue gồm những nhân sự có kinh nghiệm vẫn hoạt động và vẫn được nhận lương khá cao nhằm duy trì bộ máy với một hy vọng dự án được khởi động lại. “Kể từ khi tham gia dự án, chúng tôi chưa thu được bất cứ lợi nhuận nào. Thế nhưng tại trang 6 của cáo trạng cho rằng tôi trục lợi, thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Khi tham gia dự án, tôi được chấp thuận theo Luật Doanh nghiệp. Số tiền Công ty Lavenue đầu tư vào dự án rất nhiều, nên tôi không hiểu tôi đã trục lợi thế nào? Đến nay, tôi khẳng định ông Tài không cho tôi cái gì, và tôi không xin ông Tài cái gì cả. Nếu HĐXX tuyên thu hồi dự án, với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue, khi HĐQT họp tôi cũng chỉ lắng nghe vì tôi chỉ có 30% thì không thể quyết định”, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, trả lời trước tòa.