Từ lâu chúng ta vốn đã quen với câu: Suy nghĩ tạo ra hành vi, Hành vi tạo nên thói quen, Thói quen tạo nên tính cách.
Các câu hỏi sẽ là:
1. Tính cách thì quan trọng gì?
2. Có cách nào thay đổi tính cách để trở thành tốt đẹp hơn không?
Tính cách thì quan trọng gì?
Trong tướng học, sau khi học hết các nét tướng nhỏ lẻ, các cách kết hợp, ,..thì hành giả mới học tới quy trình đánh giá các yếu tố theo thứ tự quan trọng là Thanh – Thần – Khí – Sắc.
Kích thước, vị trí, màu sắc của các bộ vị hóa ra lại đều bị xếp ở dưới giọng nói của đương sự khi nói về cơ hội thành công của họ trong đời. Có hai yếu tố tạo nên giọng nói.
Tiên thiên – là cái có sẵn trước khi họ ra đời, chính là gene của cả bố lẫn mẹ, đặc thù cơ địa không thể thay đổi dù cho họ muốn thay đổi đi chăng nữa. Ngoài ra, đó còn là duyên kiếp của họ, những hệ quả của những việc họ đã làm trong các kiếp trước.
Hậu thiên – đó là quá trình họ lớn lên trong kiếp này, huân tập, hấp thu cả tốt và xấu rồi quyết định đi theo ngả nào. Giọng nói của một người sẽ thể hiện là họ: háu táu, trầm ngâm, dữ tợn, hung hang hay hiền lành, nhẹ nhàng… Nó là kết quả cuối cùng của tất cả các yếu tố tốt xấu đã được hấp thu dồn lại.
Như vậy, tướng học khẳng định, tính cách mới là cái quan trọng nhất, hơn hẳn những gì mà đương sự vốn được di truyền, thừa kế ngay từ đầu và là thứ sẽ quyết định một người có khả năng thành công hay không trong đời.
Trong truyện Tam quốc khi tả về các nhân vật kiệt xuất luôn có đoạn nói về tuổi thơ của họ ra sao.
Nếu tuổi thơ của Lưu Bị là tháng ngày kiếm sống vất vả bằng làm dép thì của Tào Tháo là chuyện ăn chơi và vụ lừa ông chú và bố nuôi Tào Tung phải tin mình. Tôn Quyền thì sinh ra trong phú quý và những trận đánh rong ruổi bên con Sư tử non Tôn Sách anh trai của mình.
Có vẻ như tác giả La Quán Trung không mấy chú trọng tới việc những con người ấy họ học cái gì, kỹ thuật gì mà chỉ nói về môi trường tạo ra tính cách của từng người. Cũng phải thôi, vì ở vị trí của những nhân vật đó, với hàng trăm ngàn người tài giúp ở dưới, thậm chí còn tham vấn cho về các quyết định tới tận chân tơ kẽ tóc thì cái còn lại là chọn điều gì theo tính cách của chính họ.
Như vậy, ngoài kỹ thuật và thủ thuật ra, hiệu quả làm việc của một người quản lý hay lãnh đạo được quyết định bằng chính tính cách của người ấy. Sự hấp tấp, ăn xổi ở thì, không kỹ càng sẽ chỉ khiến người ta đi được một đoạn đường ngắn. Còn tính cách bền bỉ, trầm trọng mới khiến một doanh nghiệp phát triển lâu dài. Trong thực tế đi tư vấn, tôi thấy điều này không thể rõ ràng hơn, đặc biệt là ở Việt Nam.
Các cách điều chỉnh tính cách
Nghe thì có vẻ trừu tượng, mông lung và do vậy khá là khó đo đếm và kiểm soát, nhưng nếu theo phân tích của văn hóa phương Đông thì vẫn có cách để tác động để thay đổi tính cách. Trong bài ngắn dưới đây tôi xin phép nêu hai cách người xưa thường làm.
Trong chuỗi tác động ở đầu bài, thì rõ ràng tính cách là cái cuối cùng còn suy nghĩ là khởi nguyên mọi việc. Có lẽ không ở đâu câu chuyện ước thúc tư duy để không vượt giới hạn trung dung lại rõ như ở văn hóa phương Đông. Những câu như là Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân – Cái gì không muốn cho mình đừng làm cho người chính là điều mà người quân tử luôn phải xét tơi skhi định làm một việc gì. Hoặc “vật cùng tắc phản” – Cái gì quá cũng sẽ phải thay đổi. Vậy là chúng ta có thể dùng tư duy, để thay đổi tính cách của con người.
Nền văn minh phương Đông cũng để lại cả một lượng kiến thức khá uyên thâm về cách tập luyện để điều chỉnh âm sắc của chính bản thân mình. Đơn cử chỉ một bài tập đã được mã hóa vào trò chơi mà đáng tiếc rất ít trẻ em ngày nay biết tới.
Ở miền Bắc trò này có tên là chơi U hoặc chơi Âm vì nó mô tả đúng động tác mà người chơi phải làm, đó là phát ra từ u trong cổ họng càng dài càng tốt. Ngoài việc là một dạng massage nội tạng, giúp cho trẻ em chống lại các loại hàn tà rất hay gặp phải trong khí hậu nhiệt đới gió mùa, bài tập này thực chất nếu làm đúng cách sẽ thay đổi giọng nói của đương sự khá nhiều và từ đó mà thay đổi tính cách của họ.
Truy nguyên nguồn gốc, cách chơi này, theo quan điểm của tôi và qua tham khảo một số bậc thầy trong giới tu đạo tại Việt Nam, xuất phát từ cách phát âm từ OM trong Phật giáo Mật tông, một môn phái có nhiều công phu có thể tác động vào các tầng rất sâu trong tâm thức con người.
Do dùng quá nhiều từ ngữ phức tạp lại ẩn dưới nhiều hình thức khác nhau và bị làm cho trở nên thần bí, nên nhiều kiến thức của người xưa đã bị coi là lạc hậu trongkhi thực tế nếu được nghiên cứu và học hỏi đúng mức thì chúng vẫn phát huy tốt trong thời đại ngày nay.