Tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; những lợi thế của Hà Nội; giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo động lực để thúc đẩy, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; giới thiệu danh mục các dự án đầu tư mà Thành phố Hà Nội sẽ triển khai trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị |
Theo Chủ tịch, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Với vị thế của Thủ đô, để phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô: Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực; Triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố, Hà Nội đã đề ra các chương trình cho trước mắt, cho trung hạn và dài hạn.
Trong đó, Hà Nội đã xác định 3 khâu đột phá: Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô ; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.
Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%; GRDP bình quân/người: 6.700-6.800 USD; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13-14%/năm). Trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%.
Năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%/năm; Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 70 – 75%; Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 4%.
Để thực hiện những mục tiêu cụ thể đó, Thành phố đã định hướng đầu tư như sau: Một là, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đáp ứng yêu cầu phát triển tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, gồm hệ thống trục đường hướng tâm (như cải tạo mở rộng quốc lộ 1 cũ, đường 6, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài); Hệ thống đường vành đai: vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5; Một số trục đô thị lớn, kết nối hạ tầng giao thông; các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Các dự án hạ tầng điện, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Các dự án dịch vụ đô thị như: công viên (xây dựng mới 25 công viên trong đó có 5 công viên là các khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; Cây xanh (phát động chương trình một triệu cây xanh cho Hà Nội), cấp, thoát nước,...
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cho các dự án hạ tầng nông thôn, chú trọng nước sạch nông thôn. Triển khai thu hút đầu tư thực hiện dự án đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài; các đô thị vệ tinh. Phát triển các khu đô thị mới, đồng thời cải tạo, chỉnh trang đô thị. Khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Hai là, đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các dự án về hạ tầng khu công nghiệp, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hạ tầng du lịch; hạ tầng phát triển nông nghiệp sạch, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Ba là, đầu tư trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp hướng tới dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế. Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và giữ gìn bản sắc nghìn năm văn hiến.
Lĩnh vực y tế, xây dựng các cụm trung tâm bệnh viện, chất lượng cao; tăng cường và hoàn thiện Trung tâm y tế chuyên sâu; xây dựng một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; mạng lưới y tế dự phòng và mở rộng dịch vụ theo mô hình bác sĩ gia đình.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, xây dựng trường học giải quyết vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; các trường đạt chuẩn cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Lĩnh vực văn hóa thể thao, đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, di sản; gắn phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa với phát triển du lịch. Đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa như: Cải tạo Cung Thiếu nhi cũ, Nhà văn hóa Học sinh sinh viên. Xây dựng Cung Thiếu nhi mới. Đầu tư nâng cấp, xây mới một số khu liên hợp, trung tâm thể thao, cơ sở thể dục thể thao trọng điểm.
Để đảm bảo mức tăng trưởng GRDP từ 8,5-9,0%/năm và đạt được những mục tiêu đã đề ra, Hà Nội cần phải huy động tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm 2016-2020 khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng.
Chủ tịch cho biết quan điểm đầu tư của Thành phố là: Kết nối với nguồn đầu tư của Ngân sách Trung ương trên địa bàn, Ngân sách Thành phố chỉ tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung; những dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có tính chất lan tỏa; những dự án chỉ nhà nước tham gia quản lý như an ninh, quốc phòng; những dự án đặc thù về kỹ thuật: ví dụ như đầu tư sản xuất mạng điện, mạng lưới truyền dẫn, tư nhân sẽ đầu tư vào mạng lưới bán lẻ. Thành phố đặc biệt coi trọng và kêu gọi đầu tư xã hội xã hội theo nhiều hình thức.
Chủ tịch TP Hà Nội mời gọi và sẵn sàng hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm tới tiềm năng, lợi thế |
Đối với đầu tư nước ngoài, Thành phố đổi mới chính sách thu hút đầu tư theo hướng: tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Kêu gọi các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại…
Xây dựng chính sách phát triển riêng đối với một số ngành cụ thể - những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ. Lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín đầu tư phát triển thị trường tài chính; đồng thời, chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ.
Thành phố kêu gọi các dự án đầu tư theo hình thức PPP, các dự án xã hội hóa trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, dịch vụ đô thị và an sinh xã hội. Ngay trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trong đó ưu tiên cho tăng trưởng xanh (phát động chương trình một triệu cây xanh cho Hà Nội), ưu tiên đầu tư các công viên, các khu vui chơi giải trí; nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cải tạo chung cư cũ, nước sạch nông thôn.
Chú trọng đầu tư công nghệ cao cho lĩnh vực y tế, sản xuất công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp kỹ thuật cao; Đặc biệt quan trọng công nghệ mới và năng lượng sạch, trong đó chú trọng đến công nghệ xanh và những công nghệ tiên tiến trong quản lý; đồng thời chăm lo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có kỉ luật để hội nhập với nền kinh tế ASEAN và thế giới.
Chủ tịch cũng nêu một nội dung quan trọng được nhiều người quan tâm. Đó chính là danh mục các dự án Hà Nội dự kiến kêu gọi đầu tư với các nội dung thông tin mà ngay sau Hội nghị này các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục thực hiện đầu tư.
Thứ nhất là, danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) giai đoạn 2016-2020 (Đợt 1). Tập trung trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, y tế, khu công nghệ cao... Thành phố giới thiệu 52 dự án và tổng mức đầu tư (dự kiến): 338,725 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ đôla Mỹ).
Thứ hai là, danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa. Tổng số 43 dự án – Tổng mức đầu tư dự kiến là 372,25 tỷ đồng.
Chủ tịch Thành phố chia sẻ, nhằm đạt được yêu cầu mà Chính phủ đã chỉ đạo tại Nghị quyết 19, Nghị quyết số 35 và Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển của đất nước” ngày 29/4/2016 và cam kết Hà Nội với VCCI dưới sự chứng kiến của Chính phủ, Thành phố Hà Nội xin khẳng định và cam kết: Thành phố sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh.
Cụ thể, chính quyền Thành phố sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Ngay sau Hội nghị này, Thành phố sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành phố sẽ ban hành chương trình để thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển các hoạt động phi chính thức sang chính thức trên diện rộng bằng các việc làm rất cụ thể như: hỗ trợ, làm thủ tục từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo để từ chủ hộ kinh doanh thành chủ các doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, đất đai;
Phấn đấu, trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố có thêm 200 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả. Sẽ xây dựng hệ thống hiệp hội doanh nghiệp Thành phố làm điểm bứt phá, liên kết các hiệp hội doanh nghiệp; Phát huy vai trò là cấu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; Coi Hiệp hội doanh nghiệp như “cánh tay nối dài” của chính quyền Thành phố.
Hà Nội coi trọng nguồn vốn đầu tư xã hội. Xác định Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển. Trong đó, doanh nghiệp dân doanh, đầu tư nước ngoài và của các doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò quyết định, không chỉ trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, mà cả mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Thực hiện mô hình “liên thông” tập trung giải quyết thủ tục đầu tư tại một địa điểm. Tăng cường đối thoại chính quyền - doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến về các quy định, chính sách của Thành phố.
Công khai minh bạch các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, chấm dứt việc thanh tra chồng tréo.
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp: đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan… theo hướng tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử”.
Hà Nội phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng Chính quyền điện tử. Ngay trong năm 2016 sẽ thực hiện: Từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 02 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng. Thực hiện liên thông cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư.
Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%; Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch; Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21 đến 26 ngày, giảm từ 10 đến 15 ngày so với Quy định.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với những cam kết quốc tế trong các lĩnh vực: tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thị trường, khoa học và công nghệ,…
Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Hà Nội sẽ hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường, liên kết vùng.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Thành phố sẽ quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”.
“Chúng tôi xin khẳng định, cùng với quyết tâm đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước, Thành phố Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp để mở cửa cho đầu tư kinh doanh, và chúng tôi muốn mọi thứ đơn giản, hấp dẫn nhất có thể, để các bạn đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định, cùng có lợi. Đó là điều Hội nghị lần này hướng tới”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ.
Thành phố Hà Nội cam kết nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo, trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác với các bạn để cùng nhau phát triển, coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, doanh nghiệp và dân doanh là chủ thể và được tạo mọi điều kiện để phát triển.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói: "Chúng tôi chân thành mời gọi và sẵn sàng hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm tới tiềm năng, lợi thế và chung tay cùng xây dựng Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của một quốc gia hòa bình, hữu nghị, năng động và phát triển, thực sự trở thành điểm đến đầu tư an toàn và thành công của các doanh nghiệp trong và ngoài nước".