Sáng 20/10, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục ngày thứ 2 xét xử vụ án “buôn lậu” và “làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” đối với 9 bị cáo trong vụ án VN Pharma.
Viện KSND đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm
Giữ quyền công tố tại phiên tòa, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sau khi tóm lược hành vi phạm tội của các bị cáo như: Bị cáo Hùng thông qua bị cáo Cường mua thuốc H-Capita 500mg Caplet, kê khống giá thuốc, tổng số tiền mua lô thuốc H-Capita 500mg Caplet giả để chữa ung thư là 251.000 USD (5,3 tỷ đồng). Cường thông qua một người tên Raymundo (người Philippines), sau đó giả chữ ký của tham tán đại sứ Việt Nam tại Canada, Hùng thuê bị cáo Thông viết giả các hồ sơ thuốc, chỉ đạo bị cáo Loan chuyển tiền qua tài khoản, chỉ đạo bị cáo Duy dùng con dấu giả, ký giả chữ ký…
|
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm sáng 20/10. |
Sau đó Cục quản lý dược (Bộ Y tế) lập tổ thẩm định lô thuốc, ký văn bản cho nhập. Do nghi ngờ chất lượng nên Bộ Y tế tiến hành thanh tra, niêm phong lô thuốc không cho bán rồi chuyển sang cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Bản án sơ thẩm ngày 25/8 đã tuyên án đối với từng bị cáo, sau đó có 8 bị cáo kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt, riêng bị cáo Thông không kháng cáo. Trước bức xúc của dư luận nhân dân, ngày 22/9 Viện trưởng viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã kháng nghị đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án.
Theo đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nhận thấy vì mục đích lợi nhuận, các bị cáo đã bất chấp sức khỏe, tính mạng của người bệnh mà dùng thủ đoạn tinh vi tạo ra hàng loạt hồ sơ giả, con dấu giả, làm giả hóa đơn thương mại, ký giả chữ ký của tham tán đại sứ Việt Nam tại Canada…, để nhập lô thuốc H-Capita 500mg Caplet không rõ nguồn gốc bán ra thị trường. Qua điều tra, xác minh Công ty Helix Pharmaceuticals (Canada) không có thật; xác minh các mã thuốc và kiểm tra mã số, mã vạch quốc tế trên toàn cầu hoàn toàn không tìm thấy bất cứ thông tin nào về mã số, mã vạch của lô thuốc nêu trên.
Kháng nghị của Viện KSND Cấp cao cũng cho rằng bản án sơ thẩm chưa phản ánh đúng bản chất, chưa làm rõ nhiều vấn đề, có dấu hiệu bỏ sót tội đối với bị cáo Hùng, Cường. Cụ thể 2 bị cáo này cùng bàn bạc, làm giả hồ sơ. Cường cấp giấy giả, Hùng chỉ đạo cấp dưới làm giả. Hành vi này của 2 bị cáo có dấu hiệu “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”. Đối với bị cáo Duy, Kiệt, Thông bị xử tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”, cũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bởi toàn bộ hồ sơ giả cũng như mục đích phạm tội, cả 3 người này đều hiểu rõ mục đích. Kiệt không phải người của Công ty Austin (Hồng Công) nhưng vẫn dùng con dấu Công ty Austin. Còn bị cáo Loan chuyển tiền cho VN Pharma, tham gia từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối. Từ những phân tích nêu trên cho thấy bản án sơ thẩm chưa làm rõ.
Bộ Y tế không vô can
Kháng nghị cũng khẳng định trong quá trình thẩm định, cấp phép cho lô thuốc nêu trên nhập khẩu vào Việt Nam đã xảy ra nhiều sai phạm. Sau khi thẩm định cho nhập khẩu lô thuốc, khi phát hiện sai phạm lại giám định lô thuốc do chính mình đã cấp phép là chưa đảm bảo tính khách quan. Trong kết luận của Bộ Y tế cũng có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp khách quan. Bộ Y tế cho rằng thuốc không sử dụng cho người, nhưng lại không kết luận đó là thuốc giả mà chỉ cho rằng lô thuốc H-Capita 500mg Caplet là thuốc kém chất lượng!
Về vấn đề chi hoa hồng, các bị cáo đã khai chi cho bác sỹ các bệnh viện số tiền 7,5 tỷ đồng. Trong khi mua toàn bộ lô thuốc là 521.000 USD (tương đương 5,3 tỷ đồng), thấp hơn cả tiền chi hoa hồng. Vì vậy cần điều tra số tiền 7,5 tỷ đồng đã chi hoa hồng cho loại thuốc nào, vì tiền chi hoa hồng lớn hơn tiền mua lô thuốc và mâu thuẫn này cũng chưa được bản án sơ thẩm làm rõ! Tất cả các khoản tiền nêu trên tòa sơ thẩm đã không tuyên tịch thu nộp vào ngân sách là thiếu sót.
Cũng theo đại diện Viện KSND Cấp cao, kháng nghị cũng đề nghị điều tra trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể là trách nhiệm các chuyên gia Cục Quản lý dược Bộ Y tế có liên quan việc thẩm định hồ sơ, cấp phép cho nhập lô thuốc H-Capita 500mg Caplet.
“Có 10 chuyên gia tham gia thẩm định các khâu, nhưng trong biên bản chỉ có 7/10 chuyên gia ký tên, 3 chuyên gia còn lại không ký tên cũng không có ý kiến về lô thuốc. Biên bản thẩm định không thể hiện kết quả thẩm định, có 2 chuyên gia không ký tên. Công ty Austin đã hết hạn hoạt động, nhưng các chuyên gia thẩm định vẫn có 3/4 người ký, 1 người không ký nhưng không có ý kiến. Có nhiều chuyên gia có tên trong biên bản thẩm định không ký tên nhưng cũng không có ý kiến. Sau đó Cục trưởng Cục quản lý dược (thời điểm xảy ra vụ án – PV) vẫn ký công văn cho phép nhập lô thuốc là vi phạm nghiêm trọng. Chính việc làm tắc trách của Cục quản lý dược đã tạo thuận lợi cho các bị cáo phạm tội một cách thuận lợi”, kháng nghị nhận định.
|