Bộ dự thảo này gồm 6 tiêu chí cho mở cửa dịch vụ ăn uống, cụ thể:
Tiêu chí 1: Các cơ sở dịch vụ ăn uống phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (trừ trường hợp được miễn), phải đăng ký mã QR theo quy định của TP.
Tiêu chí 2: Các cơ sở phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại nơi kinh doanh, thực hiện đúng theo quy định, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu và các chứng từ liên quan.
TP Hồ Chí Minh đề xuất cho mở kinh doanh ăn uống tại chỗ - Ảnh: Zing.vn
Tiêu chí 3: Các cơ sở kinh doanh phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế; bố trí khu vực giao, nhận sản phẩm, trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, và có phương tiện làm khô tay.
Tiêu chí 4: Người lao động, người đến cơ sở phải tuân thủ nguyên tắc 5K, phải thực hiện quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tiêu chí 5: Tùy và cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, người mua thực phẩm cùng một thời điểm theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý nhất là tiêu chí số 6 quy định: Cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn uống tại chỗ phải bảo đảm thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Lý giải về việc này, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng việc bán rượu bia sẽ khiến khách giao tiếp nhiều hơn. Điều này rất dễ tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19, do đó quy định không bán mặt hàng này là hợp lý trong thời điểm này.
Như vậy ở bộ dự thảo 6 tiêu chí này không bắt buộc quy định số người tối đa được ăn uống tại cơ sở kinh doanh trong một thời điểm mà tùy vào cấp độ dịch tại địa phương. Đồng thời, không quy định cụ thể giãn cách 2 m và thời gian hoạt động.