Theo đó, người dân trên toàn TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó", không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. Chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân.
TP dự kiến phải cung cấp hàng thiết yếu cho 9,4 triệu dân. Nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 ngày dự kiến là 10.964 tấn gồm gạo, lương thực chế biến khô, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, muối, nước chấm, dầu ăn...
Từ ngày 23/8, toàn bộ người dân tại TP Hồ Chí Minh được “đi chợ hộ” để đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19. Ảnh: Người Lao Động
Nhu cầu tiên dùng bình quân 1 tuần là 76.747 tấn. Nhu cầu tiêu dùng bình quân 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu nước uống là 19 triệu lít/ngày; khẩu trang là 628.969 cái/ngày; nước sát khuẩn loại 0,5 lít là 239.596 chai/ngày.
Đặc biệt, theo công văn này, người dân ở “vùng xanh” sẽ không còn được đi chợ 1 lần/tuần như thông báo hôm 21/8.
Thay vào đó, tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện, công an, quân đội sẽ thực hiện "đi chợ hộ" cho người dân với tần suất 1 lần/tuần và phân phối trực tiếp đến người dân (người dân trả tiền).
Đồng thời, người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ được cấp phát túi an sinh miễn phí, đảm bảo không bỏ sót trường hợp khó khăn.
Trước đó, trong sáng cùng ngày 22/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP thông tin về việc TP sẽ thiết lập kho chứa thực phẩm cho dân trong những ngày giãn cách sắp tới.
Cụ thể, trong ngày 22/8, Sở Công Thương rà soát tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân; thống kê cụ thể, cập nhật lại hệ thống điểm bán của siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Sở kịp thời hỗ trợ các địa phương tiếp cận nguồn cung hàng hóa, hướng dẫn giải pháp phân phối hàng cho dân.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thành lập Tổ cung ứng hàng hóa địa phương; chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn rà soát, thống kê nhân khẩu trên địa bàn (lưu trú, vãng lai) để đảm bảo cung ứng hàng cho người dân.
Các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát hệ thống phân phối, bổ sung đại diện lãnh đạo các hệ thống phân phối vào Tổ cung ứng hàng hóa địa phương; lựa chọn địa điểm tập kết hàng hóa để tiếp nhận từ hệ thống phân phối; đánh giá năng lực hệ thống kho chứa, triển khai phương án trưng dụng, thiết lập kho chứa phù hợp, đảm bảo năng lực dự trữ lương thực, thực phẩm để tổ chức cung ứng cho người dân.
Các địa phương rà soát, trưng dụng mặt bằng còn trống, chưa sử dụng làm điểm chuẩn bị giỏ hàng và đóng gói. Địa phương hỗ trợ hệ thống phân phối vận chuyển, dự trữ đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho người dân.
Sở Giao thông Vận tải TP phối hợp Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành duy trì phân luồng xanh tại các địa phương để đảm bảo kiểm soát, vận chuyển hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thuận lợi.
Bộ Tư lệnh TP hỗ trợ địa phương trong tổ chức phân phối hàng hóa, lương thực thực phẩm đến người dân tại từng khu vực dân cư.
Trung tâm Tiếp nhận và Hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 rà soát các đối tượng người dân nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, cần được hỗ trợ để phân phối kịp thời các túi an sinh xã hội đến từng người dân.
Những nhóm người nào được ra đường từ ngày 23/8? Từ 0 giờ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh chỉ cấp giấy đi đường cho các nhóm công việc, gồm: Tổ Covid-19 cộng đồng; nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch bệnh; người đi cách ly và đi cách ly về; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị (không quá 10% trên tổng số). Lực lượng công an, quân sự di chuyển thay ca làm việc tại các chốt, trạm kiểm soát dịch, tổ tuần tra và lực lượng phối hợp; nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ngoại giao; nhân viên các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất (có thời gian và đề xuất cụ thể). Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc điều phối của Ủy ban MTTQ TP (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện...). Người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính: ngân hàng, chứng khoán; Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải; nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ... Nhân viên giao hàng (shipper) trừ TP Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Người giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực thực phẩm, suất ăn, trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch; nhân viên phục vụ tại hệ thống phân phối, điện lực (riêng TP Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường 2 điểm đến"). Nhân viên ngành xây dựng trên địa bàn (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật....); các công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; nhân viên làm việc tại các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hoá, cửa hàng xăng dầu, gas: hoạt động 6-18 giờ. Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông; báo chí; lực lượng cung ứng dịch vụ bưu chính nhà nước; dịch vụ công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ. Nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và các lực lượng phòng chống dịch do cấp huyện, xã trưng dụng; nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) phục vụ cách ly người nước ngoài, nhân viên y tế... do Sở Du lịch quản lý (làm việc "3 tại chỗ" và thu hồi ngay sau khi về cơ quan). Người đi cấp cứu, khám chữa bệnh định kỳ; người dân đi tiêm ngừa vaccine Covid-19 (cần có phiếu tiêm ngừa vaccine). Các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...), cơ sở xuất ăn công nghiệp. Người dân "vùng xanh" đi chợ trên địa bàn theo quy định (một lần/tuần); người đi chợ thay (xét nghiệm một lần/tuần và trang phục đồ bảo hộ). Các công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng) làm việc "3 tại chỗ"; chỉ cấp phát khi ra ngoài trụ sở để giải quyết sự vụ kèm theo hồ sơ và thu hồi ngay sau khi về cơ quan. TP giao người đứng đầu các sở ngành, địa phương cấp giấy đi đường cho cán bộ, nhân viên và người lao động thuộc đơn vị mình quản lý. Các cơ quan cấp phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an TP để kiểm tra, giám sát. |