Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Thông tư có hiệu lực từ 15/1/2019, riêng các mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được áp dụng từ ngày 15/12.
Từ 15/1/2019, hàng loạt dịch vụ y tế tăng giá.
Theo đó, tiền khám bệnh tại các tuyến tăng 10%, dao động từ 26.000-37.000 đồng một lượt khám. Cụ thể:
- Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: từ 33.100 đồng lên 37.000 đồng/lượt;
- Bệnh viện hạng II: từ 29.600 đồng lên 33.000 đồng/lượt;
- Bệnh viện hạng III: từ 26.200 đồng lên 29.000 đồng/lượt;
- Bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã: từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng/lượt.
Giá nằm giường bệnh cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng lên 753.000 đồng, cao hơn gần 70.000 đồng so với hiện hành. Tại bệnh viện hạng 1, giá dịch vụ này tăng từ 615.600 đồng lên 678.000 đồng.
Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng lên 441.000 đồng. Ở bệnh viện hạng 4, giá dịch vụ này là 242.000 đồng, tăng gần 21.000 đồng so với giá cũ. Ngoài ra, giá khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu, lái xe, khám định kỳ... cũng tăng.
Thông tư cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám phải “bảo đảm chất lượng khám bệnh”. Mỗi bàn khám không quá 65 lượt bệnh nhân một ngày, vượt quá số này bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán 50% giá. Trong tối đa một quý, nếu vẫn còn tình trạng vượt số bệnh nhân thì bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên.
Theo giải thích của Bộ Y tế, nguyên nhân tăng viện phí là do lương cơ bản tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng. Mức phí kể trên được áp dụng thống nhất với bệnh nhân thu viện phí trực tiếp và bệnh nhân bảo hiểm y tế. Hiện đã có trên 85% người dân có bảo hiểm y tế.