Giai đoạn 2021-2025, mỗi năm cần hơn 15 tỷ USD
Theo sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua, tình trạng nước biển dâng đã gây ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân. Đặc biệt, theo nghiên cứu về kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu mực nước biển dâng thêm 1 mét, hơn 17% diện tích TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập. Điều đó đồng nghĩa với việc để chống ngập, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng thêm hàng loạt công trình tiêu thoát nước mới với quy mô lớn, dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2025 nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án chống ngập và xử lý nước thải là 102.419 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD)
Cống ngăn triều trong dự án chống ngập, giai đoạn 2021 -2025, TP cần hơn 4 tỷ USD để đầu tư cho chống ngập
Một thách thức khác mà TP Hồ Chí Minh phải đầu tư nhiều vốn để giải quyết đó là dân số tăng quá nhanh. TP Hồ Chí Minh có quy mô dân số lớn, tốc độ gia tăng dân số nhanh, mật độ dân số tăng cao, bình quân tăng thêm 1 triệu dân sau mỗi 5 năm, dẫn đến có xu thế vượt mức độ an toàn đô thị (các quận trung tâm có mật độ dân số trên 37.000 người/km2, trong khi theo khuyến nghị quốc tế, mức mất an toàn là trên 8.000 người/km2). Việc dân số tăng nhanh tạo áp lực lớn lên đầu tư hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học… để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng cường khả năng thu hút đầu tư phát triển TP.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay TP đang xây dựng “Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn 2026 – 2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững”, trong đó dự kiến nhu cầu đầu tư vốn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 là 345.000 tỷ đồng/năm và giai đoạn 2026 - 2030 là 495.000 tỷ đồng/năm; tương ứng tỷ lệ vốn ngân sách/vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 10%, giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 9%...
Mặc dù vốn đầu tư ngân sách chỉ chiếm 9 đến 10% vốn đầu tư toàn xã hội, tuy nhiên trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm TP Hồ Chí Minh cần phải có khoảng 15 tỷ USD để chi cho đầu tư phát triển; giai đoạn 2026 – 2030, mỗi năm cần khoảng 21 tỷ USD.
Trông chờ vào khai thác quỹ nhà đất
Giải pháp để huy động nguồn vốn để chi cho đầu tư phát triển trên địa bàn được TP nhắm đến là tính toán trình Trung ương “Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn 2026 – 2030”. Việc sớm trình Trung ương Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững. Qua kết quả tính toán, việc tăng tỷ lệ ngân sách điều tiết cho TP thì không làm giảm, mà lại làm tăng ngân sách chuyển Trung ương trong một kỳ ngân sách (4-5 năm), đồng thời cũng làm tăng ngân sách của TP được hưởng, từ đó tăng chi cho phát triển mà không ảnh hưởng bất lợi cho ngân sách Trung ương. Khi được tạo thêm nguồn lực vốn ngân sách, TP chủ động giải quyết được khó khăn, thách thức hiện nay, phục vụ sự phát triển chung của Vùng, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, góp phần tạo động lực cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vươn lên mạnh mẽ hơn; từ đó thực hiện nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Vùng (nơi có nhiều tỉnh, thành điều tiết số thu lớn về ngân sách Trung ương) và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách cả nước nói chung.
Khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất là giải pháp để có thêm nguồn vốn cho ngân sách
Một nhóm giải pháp khác nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách TP chính là tối ưu hoá, sử dụng hiệu quả quỹ nhà đất công. Tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư - Chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, đánh giá giá trị các công trình xây dựng, nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp nhà nước do Trung ương và TP quản lý, khai thác sử dụng chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả trên địa bàn TP, kiến nghị Chính phủ giao lại cho TP để tạo nguồn lực cho TP phát triển.
TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện rà soát quỹ đất công do các cơ quan, đơn vị thuộc TP quản lý, trường hợp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng, xây dựng phương án bán đấu giá để bổ sung nguồn thu cho ngân sách TP. Đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất đối với các khu đất, các dự án đã có đủ điều kiện thu tiền sử dụng đất nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Tăng cường quản lý đất đai, đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, trường hợp đất thuê nhà nước mà có vi phạm, xem xét thu hồi theo quy định để tổ chức đấu giá, tránh lãng phí.
Một nguồn thu khác cũng được TP Hồ Chí Minh tính đến đó là rà soát đánh giá tình hình thu chi ngân sách, khả năng cân đối của TP để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư.
“Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP” cũng được hy vọng sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách TP trong thời gian tới. Trong đề án, đề xuất thu hồi thêm đất ở 2 bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá, nhằm có thêm kinh phí thực hiện dự án và có nguồn ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.