Phê duyệt dự án khu dân cư khi dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất
Thông báo kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc cấp phép xây dựng không đúng quy hoạch được duyệt, phê duyệt dự án khu dân cư không có trong kế hoạch sử dụng đất (SDĐ).
Dự án KDC ở phường Phú Thuận (quận 7, TP Hồ Chí Minh), có nhiều sai phạm. Ảnh: Internet.
Tại dự án Khu dân cư (KDC) tại phường Phú Thuận (quận 7), UBND TP Hồ Chí Minh không đánh giá năng lực nhà đầu tư theo quy định, chưa thực hiện việc kiểm tra, tính toán và truy thu tiền SDĐ do việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng 1/500 làm tăng công năng của dự án; UBND quận 7 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 không đúng với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000; Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng (GPXD) tầng hầm không đúng quy hoạch được phê duyệt; Công ty Vạn Phát Hưng tự thực hiện đền bù trước khi có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, không lập dự án trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư trước khi triển khai thực hiện dự án, khởi công thi công khi chưa được chấp thuận đầu tư, chưa có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính...
Hay tại dự án KDC Tầm Nhìn ở quận Bình Tân, UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án KDC khi dự án không có trong kế hoạch SDĐ, chuyển đất nông nghiệp sang đất ở khi dự án không có tên trong danh mục các dự án có nhu cầu SDĐ; UBND quận Bình Tân phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 không đúng với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Đối với dự án Khu nhà ở Phước Long B (TP Thủ Đức), UBND TP Hồ Chí minh cũng phê duyệt dự án khu nhà ở khi dự án không có trong kế hoạch SDĐ.
Còn tại dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, thông báo KLTT cũng chỉ ra UBND TP Hồ Chí Minh có ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khi chưa có văn bản chấp thuận độ cao tĩnh không, không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe cho khối nhà ở, nhà ở kết hợp chung cư kết hợp thương mại dịch vụ, để Công ty SDI chậm thực hiện việc ký quỹ; Chậm xử lý các tồn tại của dự án như đã nêu trong kết luận thanh tra, dẫn đến chậm tính để thu tiền SDĐ theo quy định và chậm tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng…
Thông báo KLTT, nêu: “Trách nhiệm để xảy ra những sai phạm đối với Khu đô thị thuộc các chủ đầu tư dự án, các sở, ngành liên quan, UBND quận Bình Tân, quận 7 và UBND TP Hồ Chí Minh”.
Đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật
Đối với việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác. Thông báo KLTT cũng chỉ ra nhiều sai phạm, như: Việc lựa chọn nhà đầu tư, thông qua tham mưu của các sở, ngành, UBND TP quyết định chỉ định chủ đầu tư, phê duyệt dự án, chuyển mục đích sử dụng nhà, đất thuộc đối tượng phải đấu thầu dự án và đấu giá QSDĐ không đúng các quy định của pháp luật về quản lý đất đai và quản lý tài sản tại một số dự án.
Dự án KDC Tầm Nhìn ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) không nằm trong kế hoạch SDĐ, nhưng vẫn được phê duyệt. Ảnh: Internet.
Đối với việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án, một số chủ đầu tư đang thuê nhà, đất trả tiền hàng năm nhưng không sử dụng đúng mục đích mà tự ý góp vốn bằng QSDĐ để hợp tác kinh doanh, cho thuê lại nhà, đất, ký hợp đồng chuyển nhượng không đúng quy định nhưng vẫn được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định giao đất.
Sau khi được giao đất, một số chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án, để đất trống trong thời gian dài nhưng UBND TP Hồ Chí Minh không có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời; Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, cấp GPXD khi chưa được giao đất tại một số dự án…
Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân và trách nhiệm trước hết thuộc lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP và các cá nhân liên quan chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng. Cụ thể, việc thực hiện chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án không đúng quy định; Xác định giá trị tiền SDĐ không đúng quy định; Quản lý đầu tư, xây dựng thiếu chặt chẽ, có nơi tình trạng vi phạm quy hoạch, GPXD còn diễn ra nhưng chưa được kiểm tra và xử lý kịp thời. Hậu quả là nhiều dự án không hoặc kém hiệu quả, chậm tiến độ…
Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và xử lý để có hướng dẫn thực hiện đảm bảo sự thống nhất trong việc xác định, phê duyệt giá trị tiền SDĐ đối với các dự án về việc cho khấu trừ 10% VAT trong giá trị ước tính tổng doanh thu thuần chưa phù hợp với các quy định về thuế GTGT, làm giảm tương ứng giá trị tiền SDĐ phải nộp cho ngân sách Nhà nước. Phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra, rà soát các dự án đã được thanh tra kết luận để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp quy định của pháp luật đối với các vi phạm, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Nếu có dấu hiệu hình sự, chuyển cơ quan điều tra
Riêng Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước đối với 2 dự án, gồm: Dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1 (Tập đoàn Vạn Thịnh phát làm chủ đầu tư); Dự án số 39 - 39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4 (Công ty Nova Phúc Nguyên làm chủ đầu tư). Trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm tại các khu công nghiệp, khu đô thị và một số vị trí đất công được thanh tra. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến các vi phạm trong việc chỉ định các nhà đầu tư dự án không qua đấu giá đã được phát hiện qua thanh tra. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, xử lý theo pháp luật.
Đối với các vị trí đất công, giao UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo, rà soát, xem xét để xử lý theo quy định đối với các địa chỉ nhà, đất được chuyển mục đích sử dụng có vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng. Trong đó cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xem xét, xử lý đối với một số dự án theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật (Dự án tại số 14-16-18 Nguyễn Huệ; 117 - 119 - 121 Nguyễn Huệ và số 16 Tôn Thất Thiệp). Giao cho Thanh tra TP Hồ Chí Minh thanh tra việc thực hiện quản lý, sử dụng đối với 53 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đã và đang giao cho các doanh nghiệp thuộc UBND TP Hồ Chí Minh quản lý. Báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2021.