Những doanh nghiệp đề nghị mở dịch vụ sử dụng xe đạp, xe máy điện công cộng tại TP có thể kể đến như: Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam, Công ty Mobike, Công ty TNHH công nghệ IOT thông minh Việt Nam...
Được biết, Dự án Mobike - dịch vụ xe đạp đô thị - do doanh nghiệp đề xuất sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân đi từ nhà, người đi làm ở các công sở đến các trạm xe buýt hoặc địa điểm cần đến trong phạm vi 3km, đưa xe đạp trở thành phương tiện vận tải công cộng nhằm giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông được xem là giải pháp hợp lý để góp phần xây dựng xã hội an toàn. Tuy nhiên, đề án này đang được dư luận TP quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.
Đề án sử dụng xe đạp công cộng tại một số quận trung tâm TP Hồ Chí Minh đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều. |
Giảm ô nhiễm nhưng không giảm ùn tắc
Với những ưu điểm như thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, tính lưu động cao... đề án triển khai dịch vụ xe đạp công cộng được nhiều người ủng hộ.
Chị Bùi Thị Thu Thuỷ (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Phát triển xe đạp sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan thân thiện, người dân tăng cường sức khỏe. Theo đề nghị của doanh nghiệp, giá vé sử dụng xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút là hoàn toàn có thể chấp nhận được”, chị Thuý hào hứng.
Đồng quan điểm, anh Thanh Huy (quận 1) đánh giá, việc phát triển xe đạp công cộng sẽ góp phần làm tăng tính kết nối với một phương tiện công cộng khác là xe bus.
"Theo tôi, ý tưởng này rất hay, khi đó người dân có thể đi xe bus đến trung tâm TP rồi thuê xe đạp từ 1-2km đến chỗ làm, học tập, không cần sử dụng phương tiện cá nhân nữa. Chỉ cần chất lượng xe tốt, phục vụ tốt tôi nghĩ mọi người sẽ hào hứng tham gia", anh Huy nêu quan điểm.
Tuy nhiên bên cạnh đó nhiều người quan ngại, nếu triển khai sử dụng xe đạp công cộng tại quận 1, quận 3, hoặc nhiều quận khác tại trung tâm TP sẽ không thể góp phần giảm ùn tắc, trái lại sẽ tạo ra hiệu ứng ngược.
Cụ thể, diện tích chiếm dụng lòng đường của xe đạp tương đương xe máy, tốc độ chậm hơn nên mật độ phương tiện sẽ lớn hơn, nguy cơ ùn tắc càng cao.
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trọng Văn (Kĩ sư xây dựng) đưa ra dẫn chứng, ở khu chế xuất Tân Thuận (Tân Thuận Đông, quận 7) trước đây công nhân đi xe đạp gây kẹt xe kinh khủng, tốc độ chậm làm cản đường xe máy chạy qua khu vực này, bây giờ khá hơn vì phần lớn công nhân đã có xe máy.
Hay như thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước tại Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra tắc đường vì xe đạp, dù lúc đó dân số thành phố chỉ có hơn 2 triệu người.
Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để đề án sử dụng xe đạp công cộng hiệu quả, cũng cần tính đến bài toán quản lý, sửa chữa sao cho phù hợp.
"Ở các nước phát triển, họ trang bị đầy đủ các trạm quản lý xe đạp sử dụng công nghệ cao. Trong khi đó ở ta, nhiều nơi còn không nhận gửi xe đạp, không có tiệm sửa xe đạp. Ý thức bảo quản của người dân lại chưa tốt, xe công cộng có thể bị đưa đi luộc đồ như thường", một chuyên gia lo ngại.
Việc xe đạp đi chung làn đường với các phương tiên khác xem ra không khả thi - Ảnh minh họa. |
Cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng
Được biết, trên thế giới hiện này có hàng trăm thành phố đã tập trung phát triển hệ thống xe đạp công cộng từ những năm 2005. Tại những thành phố này, các trạm xe đạp đều được đặt tại các trạm xe bus, ga tàu điện ngầm để người dân dễ dàng tiếp cận. Xe đạp cũng có làn đường riêng để hoạt động.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tất cả những điều kiện này rất khó đáp ứng trong một sớm một chiều.
Chú Nguyễn Văn Thọ (quận 1) cho rằng, Việt Nam mới chỉ có phương tiện công cộng duy nhất là xe bus. Các bãi giữ xe máy, ô tô mới chỉ đáp ứng một lượng nhỏ nhu cầu, vậy khi phát triển thêm xe đạp sẽ phải tính thêm bài toán quy hoạch bến bãi. Đây là điều vô cùng khó, nhất là ở thành phố tấc đất tấc vàng như TP Hồ Chí Minh.
“Theo tôi, đề án này chưa phù hợp với tình hình hiện tại. Trong khi mới đây, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng để “giải cứu” kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất cần đến 5.600 tỷ đồng. Nay lại đề xuất sử dụng xe đạp công cộng khu vực quận 1, quận 3…Rõ ràng quá mâu thuẫn trong việc giải quyết tình hình kẹt xe chung của TP. Chưa kể, cơ sở hạ tầng chưa có việc đề xuất sử dụng xe đạp công cộng là không khả thi. Còn nhớ lần tôi đi Hội An, vì muốn đi xe đạp ở phố cổ tôi phải tìm chỗ gửi ô tô vừa mất tiền gửi xe vừa mất tiền thuê xe đạp. Đó là ở Hội An, còn nếu là TP Hồ Chí Minh thì chưa cần nói gì nhiều riêng việc tìm được bãi gửi xe đã vô cùng khó khăn", chú Thọ phân tích.
Thực tế cho thấy phần lớn đường sá trong lõi trung tâm TP Hồ Chí Minh phổ biến là đường nhỏ. Nếu muốn quy hoạch thêm làn xe đạp cần thời gian dài và vô cùng tốn kém. Còn hiện tại, nếu để xe đạp đi lộn phần đường với xe máy và ô tô trên đường thì nguy cơ tai nạn sẽ rất cao.
Chị Thuý An (quận 3) chia sẻ: "Khí hậu ở TP Hồ Chí Minh nắng nóng quanh năm, tình hình thời tiết này, e là người dân nói chung và nhất là chị em phụ nữ rất ngại đi xe đạp. Đạp xe đến chỗ làm, chỗ học xong mô hôi nhễ nhại, là điều không ai thích. Do đó đề án cần phải tính toán kỹ, tránh tình trạng triển khai, lắp đặt hàng trăm trạm xe đạp xong rồi đắp chiếu bỏ đó, rất lãng phí".
Mới đây, trả lời trên Báo Tuổi Trẻ, Ông Lê Hồng Việt (phó chánh thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cho xe đạp chạy trên vỉa hè không đơn giản. “Tôi rất ủng hộ việc cần tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng vì phù hợp với chủ trương của TP Hồ Chí Minh về hạn chế xe lưu thông vào trung tâm. Dịch vụ xe đạp công cộng sẽ đáp ứng nhu cầu và giúp người dân làm quen với phương tiện đi lại này. Hiện nay ở nhiều nước, người ta dành một phần vỉa hè cho xe đạp chạy bằng cách hạ thấp một phần mặt đường vỉa hè hoặc sơn trên mặt vỉa hè và gắn biển báo cho phépxe đạp lưu thông. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, không cho bất kỳ loại phương tiện nào lưu thông. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh hiện chỉ có một đoạn đường Pasteur và Trần Hưng Đạo nhờ có hàng cây xanh làm dải phân cách cho xe đạp lưu thông, trong khi việc mở thêm đường cho xe đạp là rất khó khăn. Việc cho phép xe đạp lưu thông trên vỉa hè cũng không đơn giản vì có tuyến đường vỉa hè chật hẹp, không bằng phẳng do trên đường có nhiều hẻm. Do đó để phát triển xe đạp công cộng cần phải tính toán đầu tư nâng cấp vỉa hè”. |