Bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) đã bán được khoảng 80% vé Tết.
Theo Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) đến thời điểm hiện tại, chỉ có Bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) đã bán được khoảng 80% vé Tết, còn lại các bến xe khác mới bán được chưa tới 50% vé theo kế hoạch. Do đó, các bến xe còn khá nhiều vé phục vụ hành khách đi lại dịp Tết.
Hiện nay, một số tuyến từ TP Hồ Chí Minh về miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa… trong thời gian từ ngày 23 đến 29 tháng Chạp (ngày 02/-09/02/2024) đang thiếu vé xe giường nằm. Nguyên nhân là các nhà xe đầu tư xe giường nằm số lượng ít hơn, do đó quay vòng không kịp. Dù vậy, hành khách có thể yên tâm bởi vé xe ghế ngồi các tuyến này vẫn còn rất nhiều.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Hải, đến thời điểm hiện tại có 32/52 đơn vị đề xuất tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong đó, tuyến đi Tây Ninh và tuyến miền Tây tăng không quá 40%; trong khi các tuyến đi miền Trung trở ra tăng khoảng 60%.
Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu, ngành đường sắt cung ứng khoảng hơn 200,000 chỗ, với 390 chuyến tàu phục vụ hành khách Tết Nguyên đán 2024. Gần đây, ngành đường sắt đã có các đợt bổ sung vé, với khoảng 14,000 vé cho các chặng có nhu cầu đi lại tăng cao, nhất là khu vực đi về các tỉnh miền Trung.
Tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giai đoạn phục vụ cao điểm Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 26/01 đến 24/02/2024), dự kiến mỗi ngày sân bay có khoảng 860-900 chuyến bay đi và đến, lượng khách trung bình khoảng 135,000 - 140,000 hành khách/ngày.
Theo thông tin mới nhất thì lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất ngày cao điểm có thể tăng cao, từ 140,000-150,000 hành khách/ngày. Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã có hai cuộc họp với các đơn vị vận tải (taxi, xe hợp đồng) phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất để đảm bảo phương tiện cho hành khách. Sân bay cũng đã cung cấp cho các đơn vị vận tải khoảng cách bay, giờ bay để phối hợp, bố trí phương tiện tốt nhất.