Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng tăng, đây là kết quả tất yếu khi nới lỏng, mở cửa phục hồi kinh tế. Một số quận, huyện số ca tăng lên, có tình hình quá tải một số nơi do quân y rút đi, do đó Sở phải điều động lực lượng y tế thành phố xuống địa phương hỗ trợ y tế cơ sở điều trị F0.
Hiện, số ca nặng tại TP Hồ Chí Minh đã giảm xuống, còn khoảng 1.800 bệnh nhân thở oxy; thở máy xâm lấn là 230 người; số ca tử vong dao dộng từ 21 - 43 người/ngày.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
"Bệnh nhân các tỉnh quá nặng chuyển về TP Hồ Chí Minh rồi tử vong do đó số ca tử vong của thành phố cũng tăng lên do số này, ngày 11/11, thành phố có 38 ca tử vong", ông Châu cho biết.
Trong số 38 người tử vong ngày 11/11, có 34 trường hợp có bệnh nền, 4 người không có bệnh nền. Số ca tử vong từ 18 - 50 tuổi có 2 trường hợp, từ 51 - 65 tuổi là 15 người, trên 65 tuổi là 21 bệnh nhân.
Về tiền sử tiêm vaccine, có 20 bệnh nhân chưa tiêm vaccine tử vong, trong đó có 12 người trên 65 tuổi và có bệnh nền. Tử vong sau tiêm 1 mũi gồm 2 trường hợp, tiêm đủ 2 mũi vaccine không qua khỏi có 10 bệnh nhân trên 50 tuổi và có bệnh nền.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu phân tích, số ca tử vong gần đây tập trung ở người lớn tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, có một số trường hợp từ các tỉnh khác chuyển đến TP Hồ Chí Minh điều trị.
Lý giải nguyên nhân dù đã tiêm vaccine vẫn có nguy cơ tử vong, ông Châu cho biết, tiêm vaccine Covid-19 chỉ làm giảm khả năng mắc bệnh, khi mắc bệnh thì giảm diễn tiến nặng và giảm tử vong.
Đối đối với chủng Delta của virus SARS-CoV-2 thì dù có tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh và khi mắc bệnh vẫn có thể diễn tiến nặng và tử vong. Tuy nhiên, khi tiêm đủ liều vaccine thì tỉ lệ mắc bệnh và chuyển nặng thấp hơn, số ca bệnh nặng, thở máy xâm lấn ít hơn rất đáng kể so với người không tiêm vaccine.