Chính quyền Thái Lan đang điều tra đường dây buôn lậu tinh trùng qua biên giới sau khi một thanh niên nước này bị bắt vì cố vận chuyển tinh trùng đông lạnh sang Lào hồi tuần qua.
Buôn lậu hàng cấm
Nghi phạm nói trên là Nithinon Srithaniyanun, 25 tuổi, bị bắt ở tỉnh Nong Khai vào tuần rồi khi tìm cách mang 6 lọ tinh dịch đựng trong bình đông lạnh bằng khí nitơ sang Lào. Số tinh dịch được xác định thuộc về hai người mang quốc tịch Việt Nam và Trung Quốc. Người này khai đã nhận chuyển hàng “độc” trên từ 4 phòng khám ở thủ đô Bangkok đến một cơ sở y tế ở thủ đô Vientiane - Lào.
Các quan chức hải quan Thái Lan cho biết Nithinon đã đi từ Thái Lan đến Lào 20 lần từ tháng 7-2016 đến tháng 2-2017. Ngoài ra, y còn tới Campuchia 24 lần từ tháng 9-2016 đến tháng 4-2017. Phó phát ngôn viên Cục Hải quan Thái Lan Kreecha Kirdsriphan cho biết đã phạt Nithinon 200.000 baht (tương đương 5.800 USD) vì hành vi mang tinh trùng qua biên giới trái phép. Luật pháp Thái Lan cấm mua bán tinh trùng, trứng và phôi. Do đó, bất kỳ người nào vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù đến 10 năm.
Theo đài BBC, dịch vụ mang thai hộ đang nở rộ ở Lào sau khi bị cấm tại 2 quốc gia láng giềng Thái Lan và Campuchia. Năm 2015, Thái Lan cấm người nước ngoài thuê phụ nữ nước này đẻ thuê theo sau một loạt vụ bê bối liên quan đến ngành công nghiệp này. Một năm sau đó, đến lượt Campuchia có động thái tương tự. Ông Chanphomma Vongsamphan, một quan chức Bộ Y tế Lào, nói với tờ Vientiane Times rằng nhà chức trách đang điều tra vụ việc vì luật pháp nước này cấm buôn bán các bộ phận cơ thể người, trong đó có cả máu và tinh trùng.
Ông Vongsamphan khẳng định chưa có bệnh viện nào ở nước này được cấp phép cung cấp dịch vụ đẻ thuê. Dù vậy, nhiều bệnh viện được phép cung cấp dịch vụ tư vấn dành cho những cặp đôi dự định có con.
Bình đông lạnh bằng khí nitơ chứa 6 lọ tinh dịch vừa bị cảnh sát Thái Lan thu giữ Ảnh: The Nation |
Nhu cầu cao
Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu tinh trùng từ Mỹ lại khá phổ biến ở bang New South Wales và một số địa phương khác nước Úc do nhu cầu gia tăng từ những phụ nữ độc thân và đồng giới. Bà Amanda Mullins, Giám đốc Chi nhánh Công ty Monash IVF (Úc) ở bang New South Wales, cho biết nhu cầu về tinh trùng hiến tặng chất lượng tốt vượt cung trong một thời gian dài.
“Chúng tôi thực sự rất vui khi có thể giúp đỡ những phụ nữ độc thân và cặp đôi hiếm muộn tiếp cận nguồn hiến tặng từ Mỹ” - bà Mullins nói. Chính quyền bang Victoria đang xem xét đề xuất nhập khẩu tinh trùng từ tổ chức California Cryobank (Mỹ) của Công ty Monash IVF nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm tại địa phương. Những công ty khác, như IVF Australia, cũng có thỏa thuận tương tự với các ngân hàng tinh trùng ở Bắc Mỹ.
Không dừng lại ở đó, Ngân hàng Tinh trùng London (Anh) đang cung cấp một ứng dụng giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm người hiến tặng. Ứng dụng cho phép người sử dụng nhận thông báo mỗi khi có người hiến tặng tinh trùng nào đáp ứng yêu cầu của họ về những đặc tính như chủng tộc, quốc tịch, màu mắt... Người muốn làm mẹ cũng có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về người hiến tặng, như thông tin y tế, tính cách và đặc điểm của họ. Thông qua ứng dụng, người phụ nữ có thể mua mẫu tinh trùng của người được chọn với giá 1.230 USD và “món hàng” sẽ được chuyển đến cơ sở y tế đang điều trị cho họ.
Tầm thường hóa thiên chức?
Ứng dụng của Ngân hàng Tinh trùng London bị chỉ trích là khiến thiên chức làm cha mẹ trở nên tầm thường. Đáp lại, bà Kamal Ahuja, giám đốc khoa học của ngân hàng, cho rằng ứng dụng này ra đời nhằm theo kịp sự phổ biến của xu hướng giao dịch trực tuyến. “Một phụ nữ giờ đây có thể tìm kiếm, lựa chọn và ra quyết định về người hiến tặng tinh trùng trong không gian riêng tư tại nhà” - bà Ahuja nói về một lợi ích khác của ứng dụng.