Cùng dự có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, TP tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Hơn 20 chương trình cho vay
Theo báo cáo do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) Dương Quyết Thắng trình bày, trong gần 15 năm hoạt động và phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động tín dụng của NHCSXH đang được mở rộng và không ngừng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội.
|
Thủ tướng chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm tín dụng chính sách. |
Thời điểm năm 2003, mới thực hiện 3 chương trình cho vay là: Hộ nghèo, học sinh và sinh viên và giải quyết việc làm, nhưng đến nay đã cho vay tới hơn 20 chương trình tín dụng, nhằm đến các mục tiêu chính sách xã hội khác nhau, rất chặt chẽ và cụ thể. Các chương trình và dự án đều hướng tới giảm nghèo bền vững, cải thiện điều kiện sống, nâng cao mức sống.
Tính đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam đạt 179.120 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với mới thành lập. Trong đó, vốn NSNN cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.726 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn; NHCSXH huy động trên thị trường, vay NHNN, nhận tiền gửi 2% của các TCTD nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 129.775 tỷ đồng, chiếm 72,5% nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.485 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn.
Tính đến hết tháng 9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH đạt 169.036 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2016; tăng 24 lần so với thời điểm mới thành lập, với tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 19,2%/năm; trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 148.960 tỷ đồng, hoàn thành 71% kế hoạch năm 2017, với gần 6,8 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, dư nợ bình quân 25 triệu đồng/hộ, tăng 4 triêu hộ so với đầu năm 2003.
4,5 triệu lượt hộ thoát nghèo
Hiệu quả hoạt động tín dụng của NHCSXH Việt Nam rất rõ rệt. Có thể nói các kênh tín dụng chính sách xã hội đang phủ kín các nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, hướng đến nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…
Vốn chính sách đã giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…; xây dựng gần 10 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 528.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long; trên 11.000 căn nhà phòng tránh bão, lụt.
|
Đầu cầu trực tuyến tại Hà Nội. |
Chất lượng tín dụng đã không ngừng được củng cố nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống đã giảm từ 13,75% tại thời điểm bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,43%, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay. Điều đó chứng tỏ, chất lượng tín dụng được đảm bảo, quy trình cho vay và đối tượng cho vay được thực hiện nghiêm túc, vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin lớn trong xã hội.
Trong năm 2017 và giai đoạn đến năm 2020, HĐQT NHCSXH Việt Nam chủ trương tiếp bám sát Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm, được Thủ tướng Chính phủ giao, để chủ động khai thác, huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo khả năng thanh toán trong toàn hệ thống; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững.
Được biết, Chính phủ và HĐQT NHCS XH chủ trương bố trí vốn tín dụng chính sách tiếp tục ưu tiên cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh có dư nợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng biên giới và hải đảo, cho vay khắc phục thiên tai, cho vay các chương trình tín dụng mới... Kết quả nói trên, cũng đòi hỏi NHCSXH Việt Nam tiếp tục phát huy thành công của mình, phối hợp với các bộ ngành, các địa phương… đề suất, triển khai nhiều chính sách tín dụng, dự án tín dụng cho các mục tiêu chính sách xã hội cụ thể hơn nữa trong các lĩnh vực việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, giảm thiểu thiên tai và biến đổi khí hậu, bình đắng giới và phát triển con người tại các vùng khó khăn,…
Để thực hiện mục tiêu trên, đại diện NHCSXH cho biết, NH sẽ đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian tới Hệ thống NHCS XH tiếp tục hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng tới công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Thực hiện chương trình kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề và phúc tra tại các chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố theo kế hoạch. Tăng cường công tác giám sát từ xa hoạt động tại NHCSXH cơ sở nhằm kịp thời phát hiện sai sót, tồn tại để có biện pháp xử lý. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động của NHCSXH, phù hợp với chiến lược phát triển. Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn... góp phần vào sự thành công chung của hệ thống NHCSXH Việt Nam.
Phấn đấu 100% hộ nghèo được vay vốn
Trong thời gian tới, NHCSXH phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Bên cạnh đó, NHCSXH đặt mục tiêu dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ. Nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%.
|