Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Tài chính vẫn kiên định đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít. Cụ thể, khung thuế Bộ Tài chính đề xuất là 3.000-8.000 đồng/lít, cao gấp 2-3 lần khung thuế hiện hành (1.000-4.000 đồng/lít).
Hiện mỗi lít xăng đang gánh 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
Khung thuế với dầu diesel được đề xuất là 1.500-4.000 đồng/lít, gấp 2-3 lần khung thuế hiện hành (dầu diezel từ 500-2.000 đồng/lít).
Bộ Tài chính muốn áp dụng khung thuế này từ 1/7/2018.
Hiện mỗi lít xăng đang gánh 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. |
Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính nêu ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, Hiệp hội này đồng tình với phương án tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính. VINPA cho rằng việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế đảm bảo trách nhiệm bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức khi sử dụng các sản phẩm có tác động trực tiếp đến môi trường, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xăng dầu, biểu khung thuế dự kiến tối đa 8.000 đồng/lít là quá cao. Do đó, Hiệp hội xăng dầu đề nghị khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng tối đa 5.000 đồng/lít; dầu diesel tối đa 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay tối đa 5.000 đồng/lít và dầu madut tối đa 3.000 đồng/kg.
Hiệp hội Xăng dầu cho rằng mức tăng thuế bảo vệ môi trường như vậy là phù hợp với nền kinh tế, đảm bảo nguồn thu ngân sách, đảm bảo an ninh năng lượng và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do.
Tại Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Quốc hội đã đồng ý bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường;vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.
Bộ Tài chính cho biết: Số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016.
Cụ thể tổng thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là gần 106 nghìn tỷ đồng.
Trong đó số thu thuế bảo vệ môi trường từ 2011 đến nay tăng vọt. Năm 2011 số thu chỉ là hơn 11.000 tỷ, thì đến 2016 đã tăng lên hơn 44.323 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 1,36-4,27% tổng thu ngân sách nhà nước.
Nếu một ngày nào đó thuế môi trường với xăng dầu được đẩy lên kịch trần như đề xuất của Bộ Tài chính, ngân sách sẽ thu được hơn 100.000 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định,...
Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
“Do đó, kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường có thể bằng hoặc thấp hơn so với số thu thuế bảo vệ môi trường”, Bộ Tài chính phân trần tại dự thảo.
Cụ thể hơn, theo Bộ Tài chính, tổng số chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 là gần 132 nghìn tỷ đồng.