Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, Việt Nam nhập khẩu 21.080 tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá hơn 51 triệu USD, tăng 861% về lượng và tăng 1.246% về trị giá so với tháng trước.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 111.510 tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 266 triệu USD, tăng 407% về lượng và tăng 531% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn từ Nga nhiều nhất với khoảng 27.543 tấn. Xếp thứ hai là Brazil với 26.650 tấn; tiếp đến lần lượt là Canada với 18.622 tấn, Mỹ với 13.381 tấn và Ba Lan với 7.694 tấn. Các thị trường khác khoảng 17.620 tấn, chiếm tỷ trọng 15,5%.
Trong nước, giá lợn hơi tháng 11 giảm 2.000-4.000 đồng/kg so với tháng 10, dao động trong khoảng 65.000-74.000 đồng/kg. Bộ Công Thương lý giải do nguồn cung dồi dào.
Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 111.510 tấn thịt lợn các loại, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Thực tế, từ tháng 6, giá lợn hơi đã bắt đầu lao dốc và hiện xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, giá thịt lợn mảnh tại các chợ và một số siêu thị chỉ giảm nhỏ giọt, phổ biến dao động 120.000-160.000 đồng/kg, có loại trên 200.000 đồng/kg. Thịt nạc vai có giá 150.000 đồng/kg, chân giò 120.000 đồng/kg, ba chỉ 150.000 đồng/kg, sườn 160.000 đồng/kg.
Mới đây, Cục Thú y cảnh báo các nhà sản xuất chăn nuôi lợn về mức độ gia tăng dịch tả lợn sau hàng loạt các ổ dịch mới. Dữ liệu cho thấy từ tháng 10 đến nay, dịch tả lợn đã bùng phát tại 31 tỉnh, làm chết 20.500 con lợn, tăng gấp đôi so với các tháng trước đó.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục tiếp tục thành lập đoàn công tác kỹ thuật đến các địa phương để đôn đốc tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Các tỉnh, thành phồ trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Đối với các địa phương có dịch tái phát, thành lập ngay các đoàn công tác do lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở làm trưởng đoàn. Đồng thời, cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ dịch tả lợn châu Phi để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tái phát, lây lan diện rộng.