Thiệt hại bất thường
Xã Cần Thạnh có số hộ dân theo nghề nuôi nghêu nhiều nhất và cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Cần Giờ trước tình trạng nghêu chết hàng loạt. Người dân ở đây cho biết, thường thì mọi năm, nghêu cũng chết nhưng vào đầu mùa thu hoạch và thiệt hại là không đáng kể. Trong khi năm nay nghêu lại chết quá sớm với số lượng lớn, khiến người nuôi không kịp trở tay.
Nghêu Cần Giờ chết hàng loạt - Ảnh minh họa |
Anh Nguyễn Văn Hiệp, xã Long Hòa nói: “Thường từ khi thả nuôi cho đến lúc thu hoạch, hao hụt vào độ khoảng 40-50%. Với tỷ lệ này thì người dân vẫn có lợi nhuận. Nhưng năm nay con số hao hụt đã vượt ngoài ngưỡng 80%, quá cao so với mặt bằng chung trong nhiều năm qua!”. Còn ông Trần Tuấn Anh, cán bộ phụ trách kinh tế xã Cần Thạnh cho hay: Sau khi nghe thông tin phản ánh của bà con, ngày 4/7 vừa qua UBND xã đã phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan đến tận nơi khảo sát và bước đầu ghi nhận thiệt hại, lấy mẫu nước, mẫu nghêu gửi đi xét nghiệm. Kết quả sẽ có trong vòng vài ngày tới.
Dẫu chưa có kết luận chính thức nhưng theo kinh nghiệm của ông Hoàng Minh Trường, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ thì tình trạng nghêu chết hàng loạt có thể do những nguyên nhân như biến đổi môi trường nước, thời tiết, khí hậu và đặc biệt là ký sinh gây bệnh có tên Perkinsus.
Nguy cơ vỡ nợ
“Kéo dài tình trạng này, e rằng người dân chúng tôi vỡ nợ!”. Đó là lời bộc bạch của anh Lê Quang Long, người đã có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi nghêu tại xã Cần Thạnh. Được biết, đa số các hộ nuôi nghêu ở hai xã Cần Thạnh và Long Hòa đều vay vốn theo Quyết định 04 của UBND TP.HCM về hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất dành cho người dân. Trong khi, ở mùa nghêu 2015 nhiều hộ dân đã phải gồng gánh số nợ lên đến vài trăm triệu đồng do nghêu rớt giá trầm trọng. Vì vậy, ở mùa nghêu năm nay, nếu tiếp tục thất bại thì khả năng trả nợ của người dân đối với những khoản vay ngân hàng là rất thấp.
Và, để cắt giảm chi phí, tiếp tục duy trì nghề nuôi nghêu vào mùa sau, nhiều chủ "sân" nghêu, thay vì mua nghêu giống từ các thương lái, đã “còng lưng” trực tiếp đi cào nghêu trứng thiên nhiên ngoài biển mang về nuôi làm giống cho mùa nghêu kế tiếp...
Có thể thấy, khó khăn chồng chất đối với nghề nuôi nghêu trong những năm gần đây đã đẩy nhiều hộ dân rơi vào cảnh đường cùng và đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Chị Lê Thị Hoài, một người nuôi nghêu tại xã Cần Thạnh cho biết, rất có thể chị sẽ phải bỏ nghề vì không còn vốn để tiếp tục đầu tư!