Mới đây, tại trụ sở UBND tỉnh Bình Dương, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì công bố quyết định thanh tra đối với tỉnh Bình Dương vào ngày 4/12. Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra các nội dung: Thanh tra trách nhiệm về thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng (thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2014 - 31/12/2019); Công tác quản lý, sử dụng đất đai (thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2012 - 31/12/2019); Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) tại khu vực đô thị (thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2011 - 31/12/2019).
Vụ án xảy ra tại dự án KĐT-TM-DV Tân Phú (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng và các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo Nghị quyết 116/NĐ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ (thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2011 - 31/12/2019). Cũng theo quyết định của Thanh tra Chính phủ, Trưởng đoàn thanh tra là ông Trần Văn Mây - Cục trưởng cục III (Thanh tra Chính phủ). Thời gian thanh kéo dài 60 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ, ngày lễ.
Liên quan đến một trong những sai phạm về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trước đó vào cuối tháng 11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo đưa vụ án “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Như Chuyên trang Tieudung.vn của báo Kinh tế và Đô thị đã phản ánh qua loạt bài. Ở vụ án này, TCT Bình Dương do ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc (bên A) ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) do ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Giám đốc (bên B) để thỏa thuận thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Bên A góp vốn 60 tỷ đồng tiền mặt (30%), bên B góp 140 tỷ đồng (70%), thực hiện dự án Khu Đô thị – Thương mại – Dịch vụ Tân Phú (KĐT-TM-DV Tân Phú) với diện tích 430.000m2 (43ha) tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Mặc dù UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các quyết định về quy định bảng giá đất ở đô thị tại khu vực TP Thủ Dầu Một. Thế nhưng các lãnh đạo của TCT Bình Dương vẫn cố tình chuyển nhượng lòng vòng, với giá cực rẻ so với thực tế thị trường để từ đó Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh, với người đại diện pháp luật là bà Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970, Tổng Giám đốc) thâu tóm và làm thiệt hại cho Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng. Ngoài vụ án liên quan đến 43ha bị bán giá “bèo” nêu trên. Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vẫn đang điều tra dự án có diện tích 145ha cũng ở phường Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một). Liên quan đến vụ án này, ngày 8/4/2020 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố bị can, bắt khẩn cấp các bị can: Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐQT TCT Bình Dương), Trần Nguyên Vũ (Giám đốc TCT Bình Dương). Riêng bị can Huỳnh Thanh Hải (thành viên HĐQT TCT Bình Dương) được tại ngoại. |