Báo động “tai nạn lao động”
Còn nhớ, ngày 14/5 vừa qua, vụ tai nạn lao động làm sập đoạn tường nhà xưởng dài hơn 100m, cao trên 12m của Công ty AV Healthcanre Việt Nam (Nhà thầu xây dựng là Công ty TNHH Hà Hải Nga. Đơn vị giám sát là Công ty CP Dịch vụ công nghiệp Đồng Nai) tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã cướp đi mạng sống của 10 người và làm hàng chục người bị thương.
Tương tự như vụ tai nạn lao động ở khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai, làm sập đoạn tường dài khoảng 30m, cao 12,57m tại công trình xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Bohsing (Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã làm 7 người chết và nhiều người bị thương.
Ngày 1/6, một vụ tai nạn lao động khác lại xảy ra tại công trình khai thác mỏ đá tại tỉnh Điện Biên lại có thêm 3 người chết và mất tích. Được biết, cả 3 nạn nhân này đều là người lao động của Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh, có tụ sở tại TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Đầu năm nay, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại một dự án công trình nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, khiến một người tử vong tại chỗ sau khi lọt hố rơi từ tầng 5 xuống đất…
Hiện trường vụ tai nạn lao động tại Đồng Nai khiến 10 người chết.
Điểm chung của tất cả những vụ tại nạn lao động là để lại nỗi đau cho thân nhân những người chết và làm ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý của người bị thương, khó được chữa lành. Tuy nhiên, đáng nói, sau những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng dù các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, đánh giá và rút kinh nghiệm, song thực tế tai nạn lao động vẫn tiếp tục xảy ra.
Cụ thể, mới đây, ngày 21/8, một vụ tai nạn lao động đã xảy ra tại Khu đô thị Vạn Phúc City (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) làm một công nhân tử vong. Được biết, dự án nói trên do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư.
Theo đó, nạn nhân được xác định là nam, tên L.M.T, sinh năm 1996, quê quán tại TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Trong lúc đang thi công tại một căn hộ trên đường số 29 thì không may bị rơi từ sân thượng xuống đất. Vị trí mà anh L.M.T bị rơi xuống là khoảng hở giữa căn hộ số 29 và căn hộ số 31.
Liên quan đến vụ tại nạn đáng tiếc nói trên, chiều ngày 22/8, trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, không liên quan đến chủ đầu tư, câu chuyện nhỏ, không đáng để quan tâm quá mức.
"Bên công trường của chủ đầu tư không có bất cứ vấn đề gì, vụ việc chỉ thuộc về vấn đề dân sự bên phía nhà dân. Dân họ đang thi công nội thất hoàn thiện thì có sự cố xảy ra, bên chị có phối hợp với cư dân để hỗ trợ cho họ rồi. Bên phía cơ quan chức năng cũng đã vào làm việc trực tiếp với chủ nhà...", bà Hương nói.
Khu đô thị Vạn Phúc - nơi vừa xảy ra tai nạn lao động khiến một nam công nhân tử vong.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác lại cho biết, đơn vị thi công dự án Vạn Phúc City - Công ty Cổ phần Sài Gòn Xây dựng (COSACO) đang tổ chức thi công chống thấm tại dự án, không phải nhà dân thi công nội thất hoàn thiện như cách bà Hương khẳng định.
Để xác minh lại vụ việc, ngày 24/8 PV liên hệ với đại diện truyền thông của Tập đoàn Đại Phúc nhưng người này cho biết không nắm thông tin và cũng không có quyền phát ngôn. Đồng thời, tư vấn PV liên hệ bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng giám đốc Đại Phúc Land để có được phản hồi chính xác nhất.
Sau nhiều nỗ lực liên lạc và bà Hương không phản hồi…!
Nguyên nhân và trách nhiệm?
Bàn về câu chuyện “trách nhiệm” khi xảy ra tai nạn lao động trên công trường xây dựng, Luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng Sự cho rằng, dù là công trình xây dựng, công xưởng, hay nhà máy.. đều phải đảm bảo nguyên tắc về an toàn lao động. Do đó, khi tai nạn xảy ra, trước hết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thi công, nhà thầu, ban quản lý dự án…
Theo Luật sư Trung, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những tai nạn lao động trên công trường xây dựng. Trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ việc nhà thầu thi công thiếu biện pháp an toàn lao động, hoặc do thiết kế biện pháp thi công không đảm bảo an toàn…Tuy nhiên, nguyên nhân đáng báo động nhất hiện nay chính là tình trạng công nhân không được huấn luyện một cách bài bản về kiến thức an toàn lao động.
Luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng Sự.
“Việc tìm hiểu, truy cứu trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn, giám, sát, năng lực hành nghề của các công nhân tham gia xây dựng là việc quan trọng. Một thực tế phổ biến hiện nay là công nhân xây dựng trên các công trường đa phần là lao động thời vụ, lao động ngắn hạn không có hợp đồng lao động. Thậm chí có cả những công nhân không được đào tạo dù chỉ là lớp ngắn hạn về nghề nghiệp, an toàn lao động. Chính vì vậy tai nạn lao động rất dễ xảy ra trên công trường khi họ tham gia thi công”, Luật sư Trung phân tích.
Luật sư Trung cho rằng, việc truy cứu trách nhiệm thuộc về ai? Về chủ đầu tư hay đơn vị thi công, tư vấn hay giám sát…cũng chỉ mang tính khắc phục hậu quả, không giải quyết được bản chất của vấn đề. Vì hậu quả của tai nạn lao động là không đo, đếm hết được, tính mạng con người là thứ quý giá nhất, không gì có thể thay thế được.
“Để giải quyết tận “gốc” đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía người lao động cũng như người sử dụng lao động. Điều quan trọng hơn, rất cần sự vào cuộc của phía cơ quan quản lý nhà nước với những chế tài đủ mạnh. Có như vậy mới hạn chế được những rủi ro do tai nạn lao động gây ra”, Luật sư Trung nhấn mạnh.
320 vụ tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2020 Theo thông tin từ Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tính đến hết ngày 5/6/2020 cả nước đã xảy ra 320 vụ tai nạn lao động làm 340 người bị nạn. Tính riêng trong tháng 5 (Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân), đã xảy ra 17 vụ tai nạn xã hội làm chết người là 25 người chết. Trong đó, tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh là hai nơi có vụ tai nạn lao động nhiều nhất. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2020 tại tỉnh Bình Dương đã xảy ra 277 vụ tai nạn lao động, trong đó: có 32 trường hợp tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật từ 1% đến 4%, có 193 trường hợp tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật từ 5% đến 30%, có 41 trường hợp tai nạn lao động có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 92% và 11 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 13 người. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 29 vụ tai nạn lao động làm chết 32 người, bị thương 2 người. Riêng số vụ tai nạn lao động có chết người phát sinh trong tháng 5/2020 là 10 vụ, làm chết 13 người, bị thương 2 người. |