Công an quận Bình Tân đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM trích xuất camera truy tìm 2 thanh niên cướp giật túi xách gây nên cái chết của bà Lê Mộng Huyền (46 tuổi, ở quận Bình Tân).
Theo thông tin ban đầu, tối 15/2, chị Trần Lê Tuyết Nhi (22 tuổi, ở quận Bình Tân) đang mang thai, chở mẹ là bà Huyền chạy xe máy từ ngã tư An Sương (quận 12) về đường An Lạc (quận Bình Tân).
Khi 2 mẹ con chị Nhi đang lưu thông trên quốc lộ 1, khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân bất ngờ bị 2 thanh niên đi xe máy màu xanh áp sát giật chiếc túi trên người thai phụ.
Một nạn nhân tử vong ở Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi bị cướp giật xô ngã. Ảnh: Q.N.
Cú giật của kẻ xấu bất thành nhưng khiến 2 mẹ con nạn nhân ngã xuống đường. Thủ phạm nhanh chóng tẩu thoát về hướng đường An Lạc.
Bà Huyền được đưa đến viện cấp cứu nhưng không qua khỏi lúc 23h cùng ngày. Chị Nhi bị động thai phải cấp cứu tại Bệnh viện Hùng Vương.
Trước đó, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ cướp giật khiến nạn nhân ngã tử vong. Tháng 6/2016, chị Lê Thị Bích Tuyền (25 tuổi, quê Đồng Tháp) đang ngồi trên xe ôm chở đến giao lộ Võ Thị Sáu - Thạch Thị Thanh (quận 1) bất ngờ bị một nhóm thanh niên áp sát giật chiếc túi xách khiến nạn nhân ngã xuống đường tử vong.
Một phụ nữ khác cũng tử vong do đuổi theo 2 tên cướp giật điện thoại trên đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú vào đầu tháng 9/2016.
Cảnh báo:
Những năm trở lại đây, tội phạm cướp giật có xu hướng manh động hơn. Người gây án tập trung vào số thanh thiếu niên độ tuổi từ 16 - 30, không có việc làm ổn định, thường xuyên tụ tập chơi bời, sử dụng các loại chất kích thích (bia, rượu, ma túy…) và đánh bạc, cá độ bóng đá, chơi lô đề. Tỷ lệ tái phạm của những người gây án có tiền án, tiền sự khá cao. Đáng lo ngại là tình trạng học sinh, sinh viên, thậm chí công chức, giáo viên cũng đi gây án.
Ảnh minh họa.
Bọn cướp giật thường cấu kết với nhau, hình thành các băng ổ nhóm có từ 2 tên trở lên. Chúng thường có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tên trong nhóm, như tên chuyên cầm lái (bo xe), tên chuyên ngồi sau để giật đồ và tên làm nhiệm vụ cản đường khi bị truy đuổi.
Có trường hợp, chúng chia nhau dàn cảnh, tạo ra sự cố để người đi đường bộc lộ sơ hở hoặc phân tán sự chú ý bảo vệ tài sản để tạo điều kiện cho đồng bọn ra tay…
Vậy làm gì để không trở thành “mồi ngon” của bọn cướp giật?
Cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là sự cảnh giác của mỗi người. Cần chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để bọn cướp giật ra tay. Đồng thời, phải “phòng ngừa sớm” bằng việc dự liệu từ trước những cách thức đối phó nếu chẳng may bị cướp giật.
Cách tốt nhất khi ra đường là đừng phô trương tài sản quý, hạn chế đeo đồ trang sức khi ra đường. Nếu đeo thì nên quàng khăn, mặc áo dài tay kín cổ, áo chống nắng… trùm ra ngoài để che khuất đi. Không nên mang theo nhiều đồ đắt tiền bên mình, trừ khi thật sự cần thiết.
Khi đó, phải cất tiền, tài sản vào trong cốp xe (nếu có) hoặc chằng buộc cẩn thận vào xe. Lưu ý, trước khi cất đồ vào cốp hoặc lấy ra thì phải nhìn xung quanh, vì bọn cướp giật thường chọn thời điểm này để gây án. Nếu túi to, cốp nhỏ không để vừa, thì tốt nhất là đeo túi, balô, cặp laptop… về phía trước bụng, hoặc treo buộc túi ở ba-ga xe máy (giữa hai đùi), quàng dây cẩn thận qua cổ xe, để tránh bị rạch túi nếu đeo sau lưng. Quai túi nên chọn loại to bản, chắc chắn để bọn cướp từ bỏ ý định giằng giật.