Hội thảo "Phụ nữ và nghề làm báo" vừa diễn ra tối 29/03 với khách mời là Nhà báo Pháp Christine Ockrent (hay còn gọi là "Nữ hoàng Christine") và Nhà báo Nguyễn Thế Thanh (nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ TP. HCM cùng nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP. HCM).
"Với sự phát triển của khoa học - Công nghệ (internet, facebook,.v.v.) thì những người làm báo đã giảm bớt được khó khăn khi làm các phóng sự ở bên ngoài, đặc biệt là phóng viên nữ khi tham gia tác nghiệp tại các khu chiến sự.
Do đó, ngày càng nhiều nữ phóng viên ra chiến trường, làm việc tại những nơi có xung đột vũ trang. Và ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia nghề làm báo hơn dù những vị trí quan trọng đa phần vẫn dành cho nam giới" - Nhà báo Christine Ockrent cho biết.
Dù phụ nữ đã dần tìm được tiếng nói, nhưng sự phân biệt giữa nam nữ vẫn là điều đang xảy ra ở nhiều nơi và phụ nữ làm báo cũng gặp phải nhiều định kiến hơn nam giới.
"Ở Việt Nam, cũng đã có những nữ nhà báo đầu tiên như Nhà báo Sương Nguyệt Anh, Nhà báo Đặng Phương hay Nhà báo Kim Anh... Tuy nhiên định kiến xã hội khi phụ nữ là một nhà báo vẫn còn, đối với xã hội, phụ nữ chỉ nên làm những công việc nhẹ nhàng, nội trợ hay là những công việc mang tính chất đơn giản, còn những chuyện xông pha, điều tra thì phải dành cho đàn ông" - Nhà báo Nguyễn Thế Thanh chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh cho biết thêm, chị từng gặp trường hợp có một nhà báo nữ khi tham gia điều tra loạt bài về việc chùa Bồ Đề cưu mang trẻ em, sau đó đem bán những đứa trẻ, lúc này, nữ nhà báo kia cũng đã nhận không ít lời không hay từ gia đình và những người xung quanh, họ nói rằng tại sao lại đuổi theo câu chuyện này, tại sao phải tìm hiểu, công việc của một người phụ nữ không phải là như vậy,...
Tuy nhiên, với cương vị của một người làm báo, chị cho rằng dư luận cần phải biết sự thật và do đó, dù là phụ nữ khi cần xông pha hãy cứ xông pha.
Còn bà Christine cho biết, lần đầu tiên bà dẫn một bản tin truyền hình, có nhiều người đã hỏi bà tại sao lại không mĩm cười. Mặc dù đó có thể là một bản tin thiên về sự mất mát, hay một bản tin chính trị cần sự nghiêm túc..., bà nói rằng đôi khi bà còn được gọi với cái tên "Bà đầm thép".
Nhà báo Christine Ockrent (Giữa) và Nhà báo Nguyễn Thế Thanh (Phải). |
Một vấn đề được đề cập trong buổi nói chuyện là hiện tại, trong làng báo đã xuất hiện khá nhiều những tổng biên tập là nữ, dù vậy vẫn có những khoảng cách và thiên kiến.
Bà Christine đã nói rằng "đôi khi chính phụ nữ còn không thích sếp mình là nữ", vậy thì nam giới cũng sẽ có cái nhìn không mấy thiện cảm.
Do đó, cả bà Christine và Nguyễn Thế Thanh đều cho rằng, việc một người nữ lãnh đạo cần làm đó chính là vượt qua rào cản của sự phân biệt, tự tin để khẳng định giá trị của bản thân.
"Hãy làm việc và làm việc tốt nhất bạn có thể thì bạn sẽ nhận lại được giá trị mà bạn bỏ ra" - Bà Crhristine nói.
Nhà báo Christin Ockrent là người phụ nữ đầu tiên giới thiệu các bản tin truyền hình Pháp vào những khung giờ vàng. Sau đó, bà còn đảm nhiệm nhiều vị trí rất quan trọng trong lĩnh vực nghe nhìn ở Pháp. Là biểu tượng cho phong trào giải phóng phụ nữ và là người viết cuốn tiểu sử Hillary Clinton, Christine Ockrent đã xuất bản nhiều tác phẩm trong lĩnh vực này. Cuốn sách Livre noir de la condition féminine (2016) (tạm dịch : Góc khuất về thân phận phụ nữ) do bà chỉ đạo xuất bản, đã đem lại giá trị nhân văn lớn lao, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc Christine Ockrent được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh hạng nhì. Trong phần giới thiệu cuốn sách, bà đã tóm tắt quan điểm của mình về giải phóng phụ nữ: « Cứ mỗi lần chúng tôi thúc đẩy quyền của phụ nữ, nhân loại lại tiến thêm một bước hướng tới một thế giới công bằng hơn ». Trong cuốn Ces femmes qui nous gouvernent (2008) (tạm dịch « Những người phụ nữ nắm quyền »), bà đã khắc họa chân dung của những người phụ nữ mang sứ mệnh đặc biệt. Năm 2011, bà đã chung tay kí Đơn khiếu nại 343 lần hai « Bình đẳng ngay bây giờ », đòi thừa nhận nữ quyền. |