Nuôi lợn rừng tại Yên Bình, Thạch Thất. |
Sau một thời gian dài giá lợn giữ ở mức thấp thì từ đầu tháng 4 tới nay, giá lợn hơi liên tục tăng, từ mức 30.000 – 32.000 đồng/kg lên 38.000 đồng/kg, có thời điểm chạm mốc 42.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi, ở một số địa phương trên địa bàn Hà Nội nhiều hộ chăn nuôi đã rục rịch tái đàn.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Thành Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, đợt tăng giá lợn lần này không có tính bền vững. Sở dĩ giá lợn tăng một phần là theo “sóng” tăng giá của khu vực phía Nam, một phần là do lệch cung – cầu khi gần 2 năm qua giá lợn xuống thấp, nhiều hộ không tái đàn. Vì vậy, người chăn nuôi cần phải cân nhắc kỹ việc tái đàn.
Thực tế khi giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội có tâm lý dè dặt không dám tái đàn. Nếu như thời điểm trước bão giá, tổng đàn lợn của Hà Nội lên có gần 1,9 triệu con thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 1,4 triệu con. Cân đối tổng đàn vật nuôi trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận thì hiện nay cung đang cân bằng với cầu. Nếu người chăn nuôi ồ ạt tái đàn sẽ dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu như thời điểm trước.
Để ổn định ngành chăn nuôi lợn, thời gian qua Hà Nội vẫn kiên trì khuyến cáo người chăn nuôi ổn định sản xuất, chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ thay vì phát triển tăng đầu con thì người chăn nuôi nên tập trung nâng cao chất lượng đàn lợn. Hướng dẫn các trang trại lớn đầu tư công nghệ cao để giảm giá thành sản xuất, vận động người dân từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, theo hướng an toàn sinh học, hình thành các vùng, các khu chăn nuôi tập trung.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để ổn định ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng thì yêu cầu cấp thiết hiện nay phải tổ chức tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng đàn lợn bằng cách đầu tư con giống tốt, tăng tỷ lệ sử dụng giống lợn nhập ngoại, lợn lai hướng nạc.
Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư ứng dụng công nghệ cao. Tập trung theo hướng sản xuất con giống là chính để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Việc xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết trong chăn nuôi không chỉ góp phần tiết giảm chi phí sản xuất mà còn tạo ra sản phẩm an toàn. Sản phẩm được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch. Từ đó người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, giúp gia tăng giá trị sản phẩm từ 15 - 20%.