Luật sư Trần Đình Dũng. |
Sau một chuỗi hành vi hành chính mà Vị phó Chủ tịch UBND quận 1 thực hiện gây “nóng” trên dư luận và nay hai công văn của cấp trên buộc Vị Phó chủ tịch này “ngưng xuống vỉa hè”, Luật sư có nhận xét như thế nào?
Nhìn sự việc, chúng ta nên nhìn một cách tổng quát để có cái nhìn từ nhiều phía. Chuỗi hành vi hành chính mà Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải giải tỏa vỉa hè đã tạo ra một hiệu ứng tích cực cho không chỉ TP. Hồ Chí Minh, mà còn lan ra phạm vi cả nước. Lấn chiếm vỉa hè ở các đô thị lớn, từ nhiều năm nay là vấn đề bức xúc của cả xã hội.
Hiệu ứng mà tôi nói ở đây là “hiệu ứng ý thức” vỉa hè, một hiệu ứng quá tốt. Nó làm cho người đi đường ở đô thị thấy ra vai trò của lề đường và cách hành xử khi tham gia giao thông cũng như khi sử dụng phần mặt bằng liên kế. Điều mà trước đó rất ít người có ý thức về nó. Rõ ràng sau chiến dịch vỉa hè ở quận 1, ở các quận khác, nhiểu người dân đã tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm để trả lại lề đường mà chẳng cần chính quyền địa phương tới nhắc nhở.
Theo luật sư, nên chăng cần phải tiếp tục cách làm như Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Hải đã thực hiện?
Tôi không nghĩ như thế. Ở đây chúng ta cần nêu lại khái niệm “Cứu cánh” và “Phương tiện”. Không phải vì cứu cánh đòi lại vỉa hè, một việc làm cần thiết và được người dân đồng tình ủng hộ mạnh mẽ mà dùng phương tiện không phù hợp với trình tự pháp luật.
Ông Đoàn Ngọc Hải (người chỉ tay) trong một lần xuống đường đòi vỉa hè - Ảnh: Internet. |
Bất luận như thế nào khi thi hành công vụ đều phải căn ke, ra soát các qui định pháp luật để áp dụng cho đúng luật. Trong sự việc giải tỏa vỉa hè, không chỉ cho là làm theo Luật giao thông đường bộ. Bởi các yếu tố gây cản trở vỉa hè liên quan đến nhiều lĩnh vực luật khác nhau. Từng yếu tố lại có sự khác nhau về vị trí pháp lý. Chẳng hạn hàng rong thì xử lý khác (cơ quan có thẩm quyền được phép tịch thu theo qui định tại Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính), công trình xây dựng lại khác vì phải xử lý theo ràng buộc của Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Ngoài ra còn “đụng” phải công trình kiến trúc văn hóa thì cần phải xem xét thêm các qui định của Luật di sản văn hóa (ban hành năm 2001 và sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Dư luận trên một số trang mạng xã hội cho rằng việc làm của Phó Chủ tịch quận 1 đã “xâm phạm đến tài sản của các nhóm lợi ích”, luật sư nghĩ sao?
Cá nhân tôi chẳng nhìn thấy “nhóm lợi ích” nào trên vỉa hè quận 1 cả. Nhưng công bằng mà nói, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã xâm phạm đến quyền tài sản của những người vi phạm khi xử lý “nóng” sự việc.
Chúng ta nên biết, những tang vật vi phạm đó nó là tài sản theo qui định tại Điều 105 Bô luật dân sự 2015 (cũng như Điều 163 BLDS 2005). Khi xác định các tài sản đó là tài sản bất hợp pháp thì phải xử lý theo qui định pháp luật. Không nên nghĩ các tang vật vi phạm không phải là tài sản. Trong thực tế, có một số những tang vật khi xử lý được phép bán đấu giá, trở thành tài sản hợp pháp.
Xử lý không đúng trình tự thủ tục luật định tức đã tước bỏ đi một số quyền của công dân đối với tài sản, đồng thời dễ xảy ra xử lý sai lầm.
Mặc dù trong thi hành công vụ, ông Đoàn Ngọc Hải hành xử ngộ nhận về thực thi pháp luật, nhưng nếu nhìn lại cả “chiến dịch giải cứu vỉa hè”, chúng ta nên nhìn vào hiệu ứng tốt đẹp mà Vị Phó chủ tịch quận 1 mang lại. Như trên đã nói, đó là ý thức người dân về lề đường.
Xin cảm ơn luật sư!
'Cuộc chiến' vỉa hè: Ông Đoàn Ngọc Hải chính thức bị buộc ngưng xuống đường
(Tieudung24h.vn) - Chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh được ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận này khởi xướng trong thời gian qua, nay ông Hải chính thức bị buộc ngưng xuống đường…! |
Hà Nam (thực hiện)