Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, nhiều ĐBQH đã rất sốc trước việc 7 bệnh nhân chạy thận tại Hòa Bình bị tử vong. ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: “Tôi rất sốc khi nghe thông tin này. Đây chắc chắn là sốc phản vệ nhưng vấn đề tại sao xảy ra sốc. Vấn đề lớn nhất là bị một lúc tới 18 người, 7 người đã tử vong. Đây là việc chưa từng có. Nếu nói sốc do rủi ro thì rất vô lý vì không thể rủi ro mà xảy ra đồng loạt trên từng ấy con người. Không loại trừ khả năng là do nước, hóa chất kháng khuẩn, đường ống có vấn đề. Nếu nói do thuốc thì khó có cơ sở vì mỗi người một loại thuốc khác nhau”.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ thêm: “Theo tôi biết, các bệnh viện trong TP, kể cả các bệnh viện quận, cũng đang rà soát toàn bộ các quy trình. Không ai muốn rủi ro xảy ra nhưng khi đã xảy ra rồi thì cũng phải xem lại việc bảo hiểm cho người bệnh thế nào.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Trên thế giới có, ở Việt Nam cũng có, có thể là không báo cáo nhiều, khi xảy ra loại trừ tất cả các nguyên nhân thì do phản vệ. Đây là vấn đề không thể loại trừ. Đây là phản ứng lại của cơ thể trước một tác động từ bên ngoài. Với một số người, một số trường hợp lại là quá sức chịu đựng”.
Về phía Ủy ban Về các vấn đề xã hội, ĐB Lan cho biết: “Tất cả phải chờ đợi báo cáo chính thức từ bộ Y tế và đây chắc chắn cũng là vấn đề sẽ được chất vấn bộ Y tế. Hôm trước, ở đoàn ĐBQH TP.HCM cũng đề nghị chất vấn bộ Y tế về các biện pháp quản lý rủi ro, căn cơ, có kịp thời hay không với các vấn đề tai biến y khoa. Nhưng 7 người chết thì quá đáng tiếc”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm 10 bệnh nhân được chuyển từ BV Đa khoa Hòa Bình về BV Bạch Mai ngày 30/5.
Theo ĐBQH Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoà Bình, hướng giải quyết hiện nay là dừng hoạt động khoa xảy ra sự cố để điều tra, tìm nguyên nhân chính xác. “Đây là điều không ai muốn và là trường hợp nghiêm trọng, chưa từng có, chúng tôi vô cùng đau xót. Các bác sĩ cũng đang khá hoang mang, họ đã chạy thận, điều trị cho hàng nghìn ca rồi. Chúng tôi sẽ rà soát, nếu có sai thì sẽ xử lý”, bà Hằng cho hay.
GS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương cũng khẳng định, đây là một nỗi đau, sự cố y khoa rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, để có kết luận chính thức, theo ông Trí, cần có điều tra, khảo sát kỹ hơn, nếu nói sớm quá có thể không đúng, thậm chí còn gây ra sự xáo trộn trong dư luận. “Nhưng tôi nghĩ khả năng bị sốc, liên quan đến cái gì đó có thể là nước, thuốc mà nhiều người trong lúc chạy thận đều sử dụng chứ không phải đơn lẻ”, GS Trí nhìn nhận.
Cũng theo GS Trí cần sớm tìm ra nguyên nhân và phải công bố công khai.