Sau hơn 3 năm hợp tác triển khai thí điểm Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng Việt Nam sang Cộng hòa liên bang Đức học tập và chăm sóc người già, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam tiếp tục cùng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức mở rộng chương trình, đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang thị trường này chăm sóc người bệnh.
Đây được coi là cơ hội cho lao động có trình độ cao nói chung và ngành nghề điều dưỡng Việt Nam nói riêng đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao.
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn về nội dung này.
PV: Xin ông cho biết những thành công bước đầu của Chương trình đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức?
Ông Phạm Viết Hương: Năm 2013 – 2014, Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thí điểm đào tạo đưa điều dưỡng sang chăm sóc người già tại Đức. Đến nay, đã có hơn 200 học viên đã sang học tập và làm việc tại Đức.
Ông Phạm Viết Hương |
Sau thành công của thí điểm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã giao cho Trung Tâm lao động ngoài nước tiếp tục tuyển chọn khóa 3 và khóa 4. Với khóa 3, hiện nay hơn 100 ứng viên đang học tập tiếng Đức trong nước để đến tháng 9/2016 sẽ sang học tập và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức.
Còn khóa 4 cũng đã tuyển được 139 em và sẽ khai giảng trong thời gian tới. Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cũng đánh giá cao các ứng viên của chúng ta đang học tập và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức.
Tiếp theo thành công của Chương trình đưa điều dưỡng viên sang chăm sóc người già tại Đức, vừa rồi phía Đức và Việt Nam đã khai giảng thí điểm đào tạo, đưa điều dưỡng viên sang chăm sóc người bệnh tại Cộng hòa liên bang Đức. Theo đó, trong năm 2016-2017 sẽ có hơn 200 em sẽ được sang học tập và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức.
Khóa 1 có 124 em và sang năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển chọn và đào tạo 125 em nữa. Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, chúng tôi sẽ đánh giá để có thể triển khai những bước tiếp theo trong vấn đề hợp tác đưa điều dưỡng sang học tập và làm việc tại Đức.
PV: Tiêu chí chăm sóc người già và chăm sóc người bệnh tại Cộng hòa liên bang Đức có gì khác nhau, thưa ông?
Ông Phạm Viết Hương: Thực ra tất cả các yêu cầu về chăm sóc người già cũng như chăm sóc người bệnh của Cộng hòa liên bang Đức đều rất cao. Các khóa trước, thời gian học tiếng Đức trong nước của các ứng viên ngắn, giờ học tiếng Đức trong nước dài hơn, sang Đức tiếp tục học 3 năm nữa về cả chuyên môn.
Như thế cũng là yêu cầu cao đối với các ứng viên. Chính vì thế, các ứng viên phải chuẩn bị tinh thần, về sức khỏe, trình độ tiếng Đức, cũng như các kỹ năng khác để học tập tại các bệnh viện cũng như các cơ sở chăm sóc người già tại Đức. Sau đó đạt được chứng chỉ tốt nghiệp để có cơ hội làm việc lâu dài tại Cộng hòa liên bang Đức.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thị trường lao động Đức và chúng ta cần làm gì để ngày càng đưa được nhiều lao động sang làm việc tại thị trường này?
Ông Phạm Viết Hương: Nhu cầu hiện nay của Cộng hòa liên bang Đức rất lớn về nguồn nhân lực, bởi vì dân số của họ đang là dân số già nên nhu cầu về điều dưỡng là rất lớn, trong khi đó Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, có nhiều lao động trẻ.
Chính vì thế, đây cũng là một trong những lý do để phía Đức chọn Việt Nam là một trong các đối tác để hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa điều dưỡng sang chăm sóc người bệnh cũng như người già. Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, đây là cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam có mong muốn sang làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức.
Đức là một trong các nước EU và nếu chúng ta hợp tác thành công với Đức trong việc đưa điều dưỡng sang Cộng hòa liên bang Đức là cơ sở để chúng ta hợp tác với các nước khác trong EU.
Phía Đức cũng như các nước EU khác hiện nay nhu cầu các ngành nghề khác cũng đang lớn và chúng tôi đang tìm hiểu thị trường từng nước một xem việc đưa lao động trình độ cao sang làm việc tại thị trường này.
PV: Xin cảm ơn ông!.