Tieudung.vn có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề pháp lý đang gây chú ý đặc biệt trên các diễn đàn dư luận này.
PV: Cơ quan chức năng vừa công bố kết luận điều tra, trong đó kết luận hai Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT là Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD và Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD. Luật sư có ý kiến như thế nào về mặt pháp lý?
Luật sư Trần Đình Dũng |
Luật sư Trần Đình Dũng: Trước hết tôi cũng như rất nhiều người nhận thấy việc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã có kết quả rất lớn. Tôi cho rằng chưa bao giờ nước ta xử lý kiên quyết các quan chức thoái hóa, tham nhũng như hiện nay. Vụ án này, cùng với những vụ án tham nhũng gần đây cho thấy công cuộc chống tham nhũng không tha bất kỳ ai, kể cả các cán bộ cấp cao đã hưu trí. Điều này đem lại hy vọng rất lớn trong công luận.
Đối với công bố mới nhất của cơ quan điều tra về việc bị can Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD và bị can Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD của doanh nghiệp trong trường hợp này, tôi cho rằng đó là hành vi nhận hối lộ. Tội nhận hối lộ được qui định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 (trước kia là Điều 279 Bộ luật hình sự 1999). Theo đó, Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 qui định “4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên”.
Với mức tiền nhận lên đến 3 triệu USD (tương đương khoảng 70 tỷ đồng) và 200.000 USD (tương đương trên 4,5 tỷ đồng), cả hai Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng đối diện với bản án có mức tử hình.
Nhưng ông Nguyễn Bắc Son và cả ông Trương Minh Tuấn đều bị khởi tố tội danh “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” qui định tại Điều 220 BLHS?
Hai ông Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị khởi tố bị can vào ngày 23/2/2019 với “Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” qui định tại Điều 220 Bộ luật hình sự 2015. Những sai phạm của cả hai ông được xác định xảy ra khi ông Son đang là bộ trưởng, ông Tuấn là Thứ trưởng Bộ TTTT, liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG).
Bị can Nguyễn Bắc Son (trái) và bị can Trương Minh Tuấn. |
Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, việc khởi tố tội danh này nhưng sau đó xử lý tội danh khác là bình thường. Cáo buộc tội danh nào còn do tình tiết mà người phạm tội thực hiện mà trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ và đánh giá. Có thể lúc đầu chỉ mới phát hiện một phần của tội phạm nhưng sau đó phát hiện thêm thì phải thay đổi tội danh.
Giữa hai tội danh mà luật sư nói trên có phần chênh nhau nặng nhẹ ra sao?
Hai tội danh hối lộ và vi phạm qui định… nói trên khác nhau đặc biệt ở chỗ tội nhận hối lộ có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Tôi cho rằng với thông tin công bố bị can Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhận từ doanh nghiệp (bị can Phạm Nhật Vũ) số tiền 3,2 triệu USD để cho thực hiện giao dịch Mobifone mua AVG không đúng qui định pháp luật gây thiệt hại lớn, là đầy đủ dấu hiệu của “Tội nhận hối lộ”. Nhận hối lộ là hành vi của người có quyền hạn nhận lợi ích để làm hoặc không làm một việc. Ở đây rõ ràng với cương vị là Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ TTTT, hai bị can này cần phải biết dự án trên 5.000 tỷ phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mới cho phép thực hiện chuyển nhượng, nhưng các bị can này vẫn chỉ đạo cho thực hiện và nhận số tiền 3,2 triệu USD.
Chúng ta lưu ý không phải cáo buộc tội danh này hay tôi danh kia do cân nhắc mức hình phạt nặng nhẹ mà tội gì phải do hành vi cấu thành tội phạm.
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)