Cá chết hàng loạt, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Trong 3 ngày (từ 11 đến 14/10/2021), do ảnh hưởng cơn bão số 8, lượng nước mưa lớn từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về, kèm theo việc hồ chứa nước Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ điều tiết, dẫn đến nước sông Đồng Nai dâng cao đột ngột, nước chảy xiết đã khiến cho 91 hộ dân nuôi cá bè trên sông (thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) bị thiệt hại nặng nề.
Ngư dân Lý Văn Sơn (thuộc Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1, xã Phú Vinh, huyện Định Quán) cho biết: “Ngay từ đêm 11/10/2021, nước lũ trên sông đổ về rất lớn. Nước sông dâng lên hơn 1 mét, cá không thể đạp nổi với nước xoáy mạnh nên yếu dần rồi chết. Tôi nuôi khoảng 70 tấn cá, thiệt hại từ 3 đến 4 tỷ đồng”.
Các bên liên quan nói về nguyên nhân 750 tấn cá nuôi bè ở Đồng Nai bị chết?
Còn ngư dân Trần Văn Tỉnh cho rằng các bè cá của ông bị chết khoảng 60 tấn cá, thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Và ông Lý Huy Đông (thành viên Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1) nói: “Riêng gia đình tôi có 50 tấn cá chết, thiệt hại từ 2-3 tỷ đồng”. Theo bà Dương Thúy Diễm (Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1) cho biết thiệt hại hiện nay với 25 hộ thành viên thuộc Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1 lên cả hàng trăm tỷ đồng.
Qua thống kê sơ bộ của UBND huyện Định Quán, hiện có 750 tấn cá nuôi lồng bè của 91 hộ dân thuộc 4 xã (Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Vinh và Phú Tân) bị thiệt hại, trong đó một phần do các bị chết, còn lại phần lớn do người dân buộc cắt lưới cho cá trôi ra sông để cứu bè.
Nguyên nhân do mưa lớn kéo dài và thủy điện xả lũ
Các hộ nuôi cá thuộc Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1 cho biết, ngày 11/10 họ nhận được thông báo của Công ty Thủy điện Đồng Nai 5- TKV (thuộc Tổng công ty điện lực TKV) về việc tiếp tục xả nước điều tiết hồ chứa Thủy điện Đồng Nai 5 năm 2021.
Theo đó, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 - TKV sẽ tiếp tục xả nước điều tiết qua tràn vào lúc 19 giờ ngày 11/10/2021 với lưu lượng nước xả qua tràn 75m3/s, tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du 363m3/s. Đồng thời thông báo các cấp chính quyền thông báo cho nhân dân vùng hạ du hồ chứa chủ động có biện pháp phòng ngừa.
Ông Lý Văn Sơn cho biết ông đã nuôi cá bè trên 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ ông thấy cảnh nước đầu nguồn sông đổ về lớn như vậy. “Theo kinh nghiệm của tôi, với lượng mưa mà tôi hứng được ngay hôm xảy ra lũ là không đủ để nước trên sông dâng lên lớn làm chết cá. Chỉ do Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ quá lớn vào ban đêm mới làm chết cá”, ông Sơn nói.
Ông Lý Huy Đông (thành viên của Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1) cũng cho rằng, nước dâng ngập làm chết cá là do nước từ đập thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ. “Tất cả là do nước xả lũ từ Công ty Thủy điện Đồng Nai 5 xả nước từ hồ chứa thủy điện Đồng Nai 5 về, qua xã Tà Lài, làm cho nước hạ lưu dâng lên làm chết cá”.
Còn ông Trần Quang Tú - Chủ tịch UBND huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) cho biết, về nguyên nhân nước sông dâng lên đột ngột làm chết cá, nước lũ dâng cao bất ngờ do Thủy điện Đồng Nai 5 (Lâm Đồng) xả lũ và mưa lớn kéo dài (do ảnh hưởng của bão số 8) ở đầu nguồn, khiến lượng nước đổ về quá lớn gây ngập cục bộ.
Rà soát sự việc và báo cáo lên UBND tỉnh
Theo Chủ tịch UBND huyện Định Quán, khi xảy ra sự việc cá bè chết hàng loạt, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai xuống hiện trường ghi nhận, rà soát đánh giá lại thực trạng để có hướng xử, lý hỗ trợ cho bà con ngư dân.
Ngày 16/10, trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, ông Châu Thanh An - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Đồng Nai) cho biết, do nhiều yếu tố cộng hưởng dẫn đến cá bè trên sông chết. Đó là do lượng mưa lớn từ trên thượng nguồn dẫn đến tốc độ dòng chảy trên sông lớn, cộng với nguồn rác mục hữu cơ cuốn theo dòng nước. Khi nước chảy mạnh, bà con ngư dân đã cắt lưới cho cá thoát để cứu bè, số lượng cá thất thoát lớn hơn số lượng cá bị bà con giữ lại chết ở trên bè.
Về tính pháp lý của việc nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, Hợp tác xã Tổ hợp tác nuôi cá bè Suối Soong 1 đã đăng ký với cơ quan chức năng là nuôi cá bè theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP vào năm 2020. Người dân nuôi cá được UBND huyện và UBND xã xác nhận là được nuôi trong khu vực cho phép nuôi cá, phù hợp với điều kiện của địa phương. Các hộ nuôi thực hiện các nghĩa vụ báo cáo số lượng nuôi, đóng thuế theo quy định.
“Khi xảy ra sự việc, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Định Quán, các Sở, ngành đánh giá lại thực trạng, mức độ thiệt hại của người dân nuôi cá bè và báo cáo lên UBND tỉnh để có hướng quan tâm, xử lý kịp thời cho người dân bị thiệt hại” - ông Châu Thanh An nói.
Ngày 15/10, ông Lim Min Soo - Tổng giám đốc Công ty TNHH Woosung (đơn vị cung cấp cám thực phẩm chăn nuôi cho các ngư dân) đã đến thăm hỏi, chia sẻ về những thiệt hại do ảnh hưởng ngập lũ làm chết cá hàng loạt. “Công ty sẽ xem xét, giảm chi phí chăn nuôi cho ngư dân để cho bà con ngư dân sớm phục hồi nuôi cá trở lại” - ông Lim Min Soo cũng cho biết.